20/04/2018

Hội Cựu Chiến binh cơ quan Bộ Công Thương với chương trình “Về nguồn”

Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (1968-2018); 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2018); 64 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2018).
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh (1968-2018); 43 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2018); 64 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2018).
Trong chương trình hoạt động của Hội Cựu Chiến binh cơ quan Bộ Công Thương năm 2018. Được sự đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ; với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhằm ôn lại lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc. Hội Cựu Chiến binh cơ quan Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự cơ quan Bộ và các đơn vị trong cơ quan tổ chức chương trình “Về nguồn” đi thăm, viếng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và một số di tích lịch sử cách mạng tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.
Một ngày tháng tư, chúng tôi Hội viên có chuyến đi cùng đoàn dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nắng tháng tư gay gắt và dọc hai bên đường đi là những bông hoa gạo đỏ như “Màu hoa đỏ” làm chúng thôi cảm thấy nao nao như sống lại những huyền thoại qua lời kể của các cô chú Cựu Chiến binh đã từng tham gia Chiến dịch về những năm tháng hào hùng, về những anh hùng đã hy sinh xương máu để nhuộm đỏ lá cờ tổ quốc.
Trong đoàn chúng tôi là những người lính thời bình, những người cán bộ công chức, viên chức hiện đang công tác tại Bộ Công Thương… Ở đâu trên mảnh đất hình chữ S cũng có những anh hùng sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ hòa bình, độc lập, giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng tôi càng thấm thía lời dạy của Người : “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15- đường Hồ Chí Minh đông, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; cách trung tâm tỉnh lỵ (thị xã Đông Hà) khoảng 38km về phía Tây bắc; cách quốc lộ 1A (ở đoạn thị trấn huyện lỵ Gio Linh) chừng hơn 20km về phía Tây bắc. Nghĩa trang là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính, khoanh vùng theo quê quán của các liệt sĩ để khi được người thân thăm viếng sẽ dễ dàng tìm kiếm.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ, quy mô, trang nghiêm, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn kính của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước, thể hiện tinh thần đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” đối với anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Chúng tôi sếp hàng nghiêm trang trước tượng đài, một phút mặc niệm ngắn ngủi trôi qua không thể nào thể hiện được hết lòng biết ơn công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh dành lại độc lập tự do cho đất nước.
Ngay trên mảnh đất này là một chiến trường ác liệt, quân đội Mỹ đã thả hàng trăm tấn bom đạn, cày nát những làng quê bình yên, chia cắt lãnh thổ, non sông Việt Nam từ vĩ tuyến 17. Bao nhiêu mất mát, hy sinh, bao nhiêu chiến công thầm lặng của những người anh hùng trên chiến trường Quảng Trị đã bền bỉ thi gan với mọi thủ đoạn, bài xích lẫn đe dọa, dụ dỗ chiến sĩ ta đầu hàng…Nhưng đáp lại những âm mưu thâm độc, tàn bạo của kẻ thù trong chính sách “dùng người Việt để trị người Việt”, chúng ta luôn khôn khéo, dựa vào lòng dân : “nửa tấc không đi, nửa ly không rời”, từng bước bẻ gãy mọi chiến lược nham hiểm của kẻ thù.
Dựa vào chính nghĩa “Lấy chí nhân để thay cường bạo, đem đại nghĩa để thắng hung tàn” và tinh thần đoàn kết, cùng chung huyết mạch dòng máu lạc hồng để cảm hóa lại đối phương, những tên ác ôn sừng sỏ đã bị tiêu diệt, những điệp viên làm hại bao đồng chí được cảm hóa trở thành điệp viên hai mang giúp đỡ chia sẻ thông tin tình báo, trở thành những chiến sĩ chiến đấu vì nhân dân và lẽ phải…
Mười ngàn ngôi mộ nơi đây, ngày ngày luôn được mọi người viếng thăm, cầu nguyện, hẳn những anh hùng, liệt sĩ cũng ấm lòng rất nhiều. Về thăm các anh chị nơi đây, chúng tôi lại được nghe kể về những câu chuyện tâm linh, nghe rì rầm trong gió xa tiếng vọng về của hương hồn những người con dũng cảm đã nằm lại, hy sinh xương máu cho quê hương Tổ quốc Việt Nam nở hoa chiến thắng.
Sự hi sinh cao đẹp của các anh và những địa danh thiêng liêng trên đất Quảng Trị như nghĩa trang Trường Sơn; nghĩa trang đường 9; thành cổ Quảng Trị… đã ít nhiều đi vào thơ ca và nhạc. Bài thơ “Khát Vọng Trường Sơn” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cũng phần nào nói lên tinh thần bất khuất ấy:
“Nằm kề nhau những nấm mộ giống nhau.
Mười nghìn bát hương mười nghìn ngôi sao cháy.
Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng.
Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn.
Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn.
Mười nghìn đôi tay mở rừng xẻ núi….”
Mỗi ngôi mộ, mỗi cuộc đời, mỗi tâm hồn, hy sinh, hiến dâng cho Tổ quốc để chúng ta có được độc lập, tự do hôm nay.
Chúng tôi từng người một bùi ngùi dâng hương lên tượng đài và chia tay nhau thắp những nén hương cho các ngôi mộ liệt sĩ mà lòng tràn đầy xúc động. Trước không khí linh thiêng chúng tôi thầm hứa sẽ không phụ lòng công lao to lớn của các anh, sẽ từng bước tiếp nối, viết tiếp những ước mơ, hoài bão của các anh vẫn còn dang dở…làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn. Ở nơi nào đó, các anh, các chị chưa về được với đất mẹ, xương cốt còn nằm trong rừng sâu, xin hãy yên nghỉ và an lòng vì chúng tôi sẽ tiếp tục hướng về các anh, bằng tất cả tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa” để đưa các anh về đoàn tụ với đồng đội và gia đình.
duong91
Đoàn thăm nghĩa trang Trường Sơn
Về thăm Làng Vây
Di tích căn cứ Làng vây nằm trên một cụm đồi đất đỏ ba gian, về phía Đông của xã Tân Long, giáp với xã Tân Lập, cách Đường 9 đoạn km 75 khoảng 1km về phía Nam, cách Tà Cơn 15 km về phía Tây Nam. Địa điểm chiến thắng Làng Vây, được công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 319/QĐ-BVHTTDL ngày 26/1/2011 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ mà trực tiếp là tướng Westmoreland nhận thấy Khe Sanh, Hướng Hoá có vai trò hết sức quan trọng. Nếu xây dựng nơi đây một tập đoàn cứ điểm quân sự như là một cái “chốt cứng” trong phòng ngự, ngăn chặn phía tây  bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở phía Nam khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân đối phương từ Lào tràn qua dọc theo Đường 9 và cũng là căn cứ cho hoạt động biệt kích quấy nhiễu đối phương đọc biên giới Việt – Lào. Đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh tìm diệt bộ đội chủ lực của ta, đánh phá cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.
Vì vậy, từ đầu năm 1966 Mỹ ra sức tăng quân và vũ khí lên miền Tây Quảng Trị, lập thành một hệ thống căn cứ dày đặc tại các vị trí thên chốt như Tà Cơn, Làng Vây, Đồi Cù Bốc, Động Tri…. Ở Tà Cơn chúng cho xây dựng một cụm cứ điểm lớn với hàng loạt các công sự kiên cố và một sân bay cỡ lớn, trở thành vị trí quân sự lớn nhất trong hệ thống phòng thủ Đường 9 – Khe Sanh.
Trong đó, Làng Vây là một căn cứ chốt, án ngữ cửa ngõ cho khu trung tâm Tà Cơn, đồng thời là tiền tiêu phía của tuyến phòng thủ Đường 9. Căn cứ Làng Vây được xây dựng trên hai cao điểm 320 và 230, chiều dài 600 m và chiều rộng 200 m, có nhiều hầm hào và công sự kiên cố với các điểm hoả lực rất mạnh, kể cả ;trận địa pháo 105 mm, cối 106,7 mm. Bao bọc xung quanh bằng những lớp hàng rào dây kẽm gai chằng chịt, dưói chân đồi có các bãi mìn lớn với tầm sát thương và huỷ diệt cao. Chốt giữ ở đây là những lực lượng đặc biệt của Mỹ – nguỵ gồm 6 đại đội, có 30 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Xuất phát từ vị trí chiến lược, Làng Vây được mệnh danh là một cái cuống họng, một chân kiềng của hệ thống phòng ngự Khe Sanh.Trước tình hình đó, để đập tan những những tham vọng ngông cuồng của Mỹ – nguỵ, tháng 4/1966, Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị, gọi tắt là Mặt trận B5 nhằm thu hút tiêu diệt sinh lực địch ở miền Tây Quảng Trị, tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động mạnh hơn nữa.
Mùa xuân năm 1968, chiến dịch giải phóng Khe Sanh – Hướng Hoá bắt đầu. Mở màn là trận đánh của quân ta vào căn cứ Làng Vây. Tham gia trận đánh có đại đội xe tăng 9, cùng tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 tiến công địch từ hướng Nam, đây là hướng tiến công chủ yếu; Đại đội xe tăng 3 phối hợp cùng Trung đoàn 24 tiến công từ hướng Tây theo Đường 9. Đúng 17 giờ ngày 6/2/1968 trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu nổ súng. Trận đánh diễn ra ác liệt, địch lợi dụng công sự, lô cốt, hầm ngầm chống cự quyết liệt, nhưng xe tăng ta đã khéo léo kêt hợp với xung lực uy hiếp địch, yểm trợ cho bộ binh xung phong đánh chiếm từng khu vực, mục tiêu. 3 giờ sáng ngày 7/2 ta cơ bản làm chủ trận địa, tiếp tục truy kích tiêu diệt bọn địch còn ngoan cố chống cự  ở các hoả điểm, hầm ngầm.
Trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia tiến công một căn cứ kiên cố của địch đã giành thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất chiến đấu cao, mở ra truyền thống “Đã ra quân là chiến thắng” của bộ đội xe tăng anh hùng. Ta tiêu diệt và bắt 1.000 tên địch1, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự Đường số 9 của Mỹ – nguỵ, phối hợp kịp thời với các chiến trường khác trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1968. Với những chiến công đó, chiến thắng Làng Vây, đại đội xe tăng 3 và đồng chí Lê Xuân Tấu là những tập thể, cá nhân đầu tiên của bộ đội xe tăng vinh dự dược Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày nay, căn cứ Làng Vây trở thàn một di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta đã đánh bại một đội quan hùng mạnh của đế quốc Mỹ và tay sai. Cùng với di tích Tà Cơn, Nhà Tù Lao Bảo, di tích Làng Vây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của tuyến du lịch DMZ, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ về thăm lại chiến trường xưa.
duong92
 Đoàn thăm Di tích lịch sử Làng Vây
Thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiêm nhường nằm yên vị tại Vũng Chùa – Đảo Yến dưới chân đèo Ngang đầy nắng, gió và sóng biển mênh mông, là địa chỉ linh thiêng trong lòng dân Việt Nam và các tầng lớp yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt đối với thế hệ những người cầm súng qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vào những ngày này luôn ngập tràn nhang khói và những giọt nước mắt hành hương.
Lướt tới đỉnh đèo Ngang trời trong và mây trắng chúng ta tha hồ thả tầm mắt nhìn ngắm vẻ đẹp của non sông đất nước, và có thể thấy mồn một từng dòng người từ khắp nơi đang chảy về bên mộ Đại tướng trong niềm tôn kính và nhớ thương vô hạn, vô bờ. Trong những dòng người bất tận đó, có rất nhiều người là thương binh, bệnh binh, người già nhưng trên khuôn mặt họ vẫn rạng rỡ như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần khi được gần gũi trước anh linh Đại tướng.
duong93
Chiến tranh lùi vào quá khứ đã gần 40 năm. Màu xanh đã vá lành nhiều vết thương trên mặt đất, cũng như bao điều tốt đẹp đã mở ra cho đất nước hôm nay. Nhưng để có ngày hòa bình, thống nhất đất nước, gần 2 triệu người con ưu tú – những chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Và cũng ngần ấy những người mẹ khóc con, những người vợ khóc chồng, người thân khóc người thân…
Mỗi thời đại đều sản sinh ra một thế hệ, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm với Tổ quốc. Đất nước hôm nay nở hoa rực rỡ có phần máu thịt của bao thế hệ cha anh khiến chúng tôi tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm với quá khứ và tiếp nối xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Chiến tranh lùi vào quá khứ đã hơn 40 năm. Màu xanh đã vá lành nhiều vết thương trên mặt đất, cũng như bao điều tốt đẹp đã mở ra cho đất nước hôm nay. Nhưng để có ngày hòa bình, thống nhất đất nước, gần 2 triệu người con ưu tú – những chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống vì quê hương đất nước. Và cũng ngần ấy những người mẹ khóc con, những người vợ khóc chồng, người thân khóc người thân…
Mỗi thời đại đều sản sinh ra một thế hệ, mỗi thế hệ đều có trách nhiệm với Tổ quốc. Đất nước hôm nay nở hoa rực rỡ có phần máu thịt của bao thế hệ cha anh khiến chúng tôi tự nhủ với lòng mình phải có trách nhiệm với quá khứ và tiếp nối xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh./.
                                                                         Tin Ngọc Sơn ipc 1
                                                                          Ảnh Xuân Bắc, Văn phòng Bộ