07/09/2023

Hoạt động khuyến công góp phần xây dựng vị thế sản phẩm chè Thái Nguyên

Là vùng chè trọng điểm của cả nước, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm chè. Nổi bật trong đó phải kể tới việc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm) chủ động dành ra nguồn kinh phí không nhỏ mỗi năm để tạo “vốn mồi” hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm chè.

chetngop1

Hoạt động khuyến công đang góp phần phát triển ngành Chè Thái Nguyên

Thái Nguyên đang là địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng và diện tích đất chè với hơn 22.000 ha và 260.000 tấn búp tươi. Nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Đến nay, tỷ lệ giống mới đang chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh. Các chỉ tiêu về giá trị sản xuất chè, sản lượng chè búp tươi, diện tích sản xuất chè an toàn đạt tiêu chuẩn quốc gia đều đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp lớn đã chủ động ứng dụng công nghệ sản xuất chè hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm thì còn đó những cơ sở sản xuất chè quy mô nhỏ vẫn chưa thoát khỏi phương thức sản xuất thô sơ, chưa bắt kịp nhịp độ phát triển của thời đại.

 Trước thực tế đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm chè làm ra đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên xác định, giải pháp duy nhất là các cơ sở sản xuất chè phải chuyển hướng sang đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại vào quá trình sản xuất. Trải qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế & Hạ tầng của các huyện/thành phố tiến hành khảo sát, lập danh sách hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở chế biến chè nông thôn. Chỉ tính riêng trong năm 2022 vừa qua, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng nguồn “vốn mồi” cho 02 công ty, 01 hợp tác xã (HTX), 02 tổ hợp tác và 03 hộ kinh doanh ứng dụng 175 máy móc thiết bị hiện đại trong chế biến các sản phẩm chè. Các thiết bị được hỗ trợ chủ yếu là máy vò chè, máy đóng gói trà tự động, máy co cắt màng, máy hút chân không, máy sao gas…

Qua quá trình khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, nguồn vốn mồi khuyến công hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất và chế biến chè đang phát huy hiệu quả. Đơn cử như tại HTX Tâm Trà Thái (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, Tp Thái Nguyên), thông qua nguồn kinh phí 290 triệu đồng do Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ năm 2022, HTX đã mạnh dạn đầu tư thêm: Máy đóng gói hút chân không (Model AA-1308); Máy xào gas (Model DM30); Máy đóng gói trà tự động (Model MPA-215) với tổng số vốn là 650 triệu đồng. Sau gần một năm ứng dụng hệ thống máy móc mới, hiệu quả đem lại cho HTX Tâm Trà Thái là rất lớn.

“Hệ thống máy móc hiện đại do Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ đã giúp HTX chúng tôi đóng gói được nhiều loại túi có trọng lượng, kích cỡ khác nhau và tối đa có thể lên tới 30kg; Giúp thời gian bảo quản sản phẩm trà lên tới 02 năm. Ngoài ra, đối với việc ứng dụng máy xào gas đã giúp các sản phẩm trà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do hạn chế được khói bụi, gỉ sét. Từ đó, giúp nước chè xanh và thơm hơn; Năng suất, cũng như chất lượng tăng lên gấp nhiều lần so với các loại máy xào truyền thống. Còn riêng với máy đóng gói trà đã giúp HTX đóng gói các sản phẩm trà theo hướng tự động; Máy có tốc độ cấp liệu, hút chân không nhanh với độ chính xác cao. Qua đó, đã làm gia tăng năng suất và sản phẩm trà làm ra có chất lượng vượt trội. Đến nay, sản phầm trà do chúng tôi làm ra đã được đông đảo thực khách trong và ngoài nước tin dùng”…, bà Hoàng Thị Tân – Giám đốc HTX Tâm Trà Thái cho biết.

 Còn đối với hộ gia đình anh Phạm Anh Tài (xã Tân Cương – TP. Thái Nguyên), với 100 triệu đồng được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ trong năm 2022, gia đình anh đã mạnh dạn bỏ thêm vốn để đầu tư mới 01 máy đóng gói trà tự động với tổng giá trị lên tới 270 triệu đồng. Anh Tài chia sẻ: “Nguồn vốn khuyến công có ý nghĩa rất lớn với gia đình tôi. Nhờ có máy đóng gói trà tự động nên chúng tôi đã có thể đáp ứng được nhiều đơn hàng và nâng được giá bán sản phẩm. Hiện nay, đối với sản phẩm chè khô truyền thống, chúng tôi cung cấp ra thị trường có giá từ 200–400 nghìn đồng/kg; Chè tôm nõn có giá từ 600–750 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, doanh thu, lợi nhuận của gia đình đã tăng cao hơn nhiều so với trước đây”.

chetngop2 

Sản phẩm chè của HTX xã Tâm Trà Thái đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường

Không riêng gì HTX Tâm Trà Thái và gia đình anh Phạm Anh Tài, Công ty Cổ phần Trà Việt Thái cũng là một trong những đơn vị được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến trong năm 2022. Theo ông Nguyễn Huy Sơn – Giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi đã được Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ 165 triệu đồng để ứng dụng 01 máy cắt màng, 01 máy đóng gói trà tự động và 15 máy vò chè. Đây đều là những thiết bị hiện đại, có tính tự động hóa cao, điều này đã góp phần giúp Công ty nâng cao năng suất lao động và giá trị sản phẩm chè. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh sẽ nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến công như doanh nghiệp chúng tôi”.

Đánh giá về tính hiệu quả của hoạt động khuyến công đối với các cơ sở sản xuất chè, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên khẳng định: “Thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến công, những năm qua, Trung tâm đã thực hiện nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Thông qua sự hỗ trợ này, các đơn vị được thụ hưởng đã hoàn thiện hệ thống máy móc trong quy trình sản xuất và đang có những bước phát triển tích cực. Các sản phẩm chè của Đơn vị làm ra đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được thực khách tin dùng, đón nhận. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, Trung tâm sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm chè Thái Nguyên như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm chè; Hỗ trợ các cơ sở sản xuất chè tham dự các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…”.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/