28/06/2017

Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động

Trong 5 năm trở lại đây, những dự án đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN) đang có nhu cầu sử dụng lao động với số lượng rất lớn. Thực hiện đồng hành cùng doanh nghiệp, Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ tuyển dụng lao động (TDLĐ))
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 KCN được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 5 KCN đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê để thực hiện 82 dự án. 5 năm trở lại đây, các dự án đầu tư tại địa bàn KCN đang có nhu cầu sử dụng lao động với số lượng rất lớn. Hiện nhu cầu về lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh tăng gấp 4,8 lần so với năm 2012. Trong đó, một số doanh nghiệp đang thiếu lao động phổ thông, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Cụ thể như các dự án thuộc lĩnh vực dệt may, sản xuất dây dẫn và các cụm thiết bị ô tô của Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên); Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long, Ngân Hà tại Móng Cái, Hải Hà và các dự án thứ cấp tại KCN Texhong Hải Hà. Riêng đối với các dự án thuộc Tập đoàn Texhong hiện vẫn còn thiếu khoảng 2.800 lao động.
htdntd
Huyện Hải Hà tổ chức cho cán bộ các xã, thị trấn, thôn, khu, khe, bản tham quan Công ty may Hoa Lợi Đạt, KCN Texhong Hải Hà. Ảnh: Tùng Lâm (CTV)
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh trong việc hỗ trợ TDLĐ cho các dự án của Tập đoàn Texhong, Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH và các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã và đang triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp TDLĐ, đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Sở đã phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh tổ chức các hội nghị, hội thảo, gồm đại diện UBND, phòng LĐ-TB&XH các địa phương, chủ đầu tư, để thông tin, tuyên truyền về chế độ tiền lương, điều kiện làm việc và nhu cầu TDLĐ; kết nối sàn giao dịch việc làm với một số tỉnh khu vực miền Bắc về việc đề nghị phối hợp TDLĐ cho các doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) tăng cường tuyên truyền, đưa thông tin nhu cầu TDLĐ tại các sàn giao dịch việc làm định kỳ và lưu động cũng như các sàn giao dịch việc làm online. Các địa phương cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN TDLĐ địa phương bằng nhiều hình thức. Điển hình như huyện Hải Hà, thời gian qua đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp truyền thông thông tin tuyển dụng, như cho doanh nghiệp treo pano ở vị trí đông người, thông tin nhu cầu TDLĐ hằng ngày trên loa truyền thanh, tờ rơi; phối hợp với Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động… Mới đây nhất là ngày 23-6, huyện Hải Hà đã tổ chức cho cán bộ các xã, thị trấn, bí thư, trưởng thôn, khu phố, khe bản trên địa bàn huyện tham quan thực tế tại Công ty may Hoa Lợi Đạt, KCN Texhong Hải Hà, để cung cấp thông tin tuyển dụng, thông tin thực tế về môi trường làm việc, lương, thưởng tại các công ty trong KCN. Ông Trần Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Hải Hà hiện có khoảng 2.800 lao động làm việc tại KCN Texhong, trong đó hợp đồng chính thức trên 1.300 lao động, số còn lại đang trong thời gian tập việc. Tuy nhiên, để có sức hút hơn với lao động địa phương, doanh nghiệp cần sớm đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, trong đó có cả hạng mục nhà trẻ, quan tâm hoạt động vui chơi, thể thao, văn hoá lành mạnh; điều chỉnh giờ làm việc và lương phù hợp và đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động. Đồng thời tỉnh sớm đầu tư đường giao thông nối từ KCN vào trung tâm huyện Hải Hà.
Thông qua kênh hỗ trợ của các cơ quan nhà nước và sự chủ động của doanh nghiệp, từ 1-5-2016 đến nay, các dự án của Tập đoàn Texhong tại Quảng Ninh đã tuyển dụng thêm gần 7.000 lao động; Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam tại Quảng Ninh tuyển thêm gần 5.000 lao động. Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong công tác thu hút và TDLĐ, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tiếp tục chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để xác định nhu cầu TDLĐ, hàng quý phối hợp Sở LĐ-TB&XH rà soát việc thu hút lao động và chủ động liên hệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn lao động. Sở LĐ-TB&XH và các địa phương rà soát lại khả năng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, trước mắt là ưu tiên cung ứng lao động cho các nhà máy của Tập đoàn Texhong (Móng Cái và Hải Hà) và Công ty Yazaki (Quảng Yên), tăng cường các phiên giao dịch việc làm, kết nối với thị trường lao động các tỉnh lân cận. Trên cơ sở rà soát, các sở, ban, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu cho các địa phương về TDLĐ cho các KCN hằng năm và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực TDLĐ, chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, phương tiện đưa đón công nhân tại các KCN… Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong KCN bằng nhiều hình thức; vận động công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN. Qua đó tiếp tục thực hiện tốt đồng hành cùng doanh nghiệp, sớm tháo gỡ khó khăn về TDLĐ để các doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Theo nguồn tin báo Quảng ninh