Hỗ trợ DN bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài
PGS.TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế, tài sản sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
PGS.TS Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: LĐTĐ
Ngày 24/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với VIPA và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức Hội thảo “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Sự kiện nhằm cung cấp các kiến thức, quy định pháp luật quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và các dịch vụ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ dành cho các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn phương thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng vững mạnh.
PGS.TS Mai Hà, Chủ tịch VIPA cho biết, trong quá trình hội nhập quốc tế, tài sản sở hữu trí tuệ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vai trò này nhiều khi chưa được doanh nghiệp đánh giá đúng và đủ.
Do đó, doanh nghiệp cần nhận thức rằng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chính là bảo hộ tài sản trí tuệ của mình nhằm giúp doanh nghiệp phát triển và bền vững.
“Hiện nay, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã, đang và sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên nắm rõ kiến thức về sở hữu trí tuệ, cách thức sử dụng phần mềm hiệu quả và hợp pháp, định giá tài sản sở hữu trí tuệ… Qua đó, khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ và bảo đảm quyền lợi đối với tài sản trí tuệ của mình”, ông Hà cho hay.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đòi hỏi sản phẩm, thương hiệu phải có sự đầu tư về chất xám và hàm lượng tri thức. Do đó, tài sản trí tuệ là cấu phần quan trọng để tạo nên giá trị sản phẩm của doanh nghiệp.
Khi nói tới chuỗi giá trị toàn cầu là nhắc tới xuất khẩu. Nếu là doanh nghiệp xuất khẩu thì trước tiên phải nắm chắc được quy tắc về thương mại điện tử, nguyên tắc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, với tài sản trí tuệ và bảo hộ sở hữu trí tuệ lại là chuyện khác và không hề đơn giản.
Bà Hằng bày tỏ băn khoăn, mọi doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư và tham gia vào thị trường Việt Nam đều nắm vững và nắm rất rõ các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, danh sách đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay đa phần là các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi đó có rất ít hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Hằng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các sản phẩm của mình nên quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Chinhphu.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ