26/10/2018

Hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất tại làng nghề truyền thống

“Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại nước ta là vấn đề cấp thiết, có tính sống còn đối với kinh tế nông thôn nói riêng, kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc của cả xã hội, doanh nghiệp, con người và nhà nước trong việc đổi mới thể chế, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ và kết cấu hạ tầng, Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp trong nước đều phải chịu tác động không nhỏ trong sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên để bước qua những khó khăn, trở lại đà phát triển ổn định,các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cần thực hiện ba giải pháp chính gồm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới sáng tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới; nâng cao quản trị nguồn nhân lực; hợp lý hóa trong quá trình sản xuất”.

hkdtvh1

Xuân Trường là huyện ở phía Đông Nam của tỉnh Nam Định, Phía Bắc giáp huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp huyện Hải Hậu, phía Đông giáp huyện Giao Thủy, phía Tây giáp huyện Trực Ninh. Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) của huyện có bước phát triển mạnh đã và đang trở thành khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện với các ngành sản xuất chủ yếu là cơ khí, dệt may, vận tải thủy. Huyện Xuân Trường đã chuyển dịch số lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ngoài ra trên địa bàn huyện Xuân Trường đã hình thành và phát triển một số ngành nghề tại các làng nghề như: Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu bèo tây, bẹ chuối ở xã Xuân Ninh; nghề mộc (chạm, đục, khắc gỗ) tại xã Xuân Phương…

hkdtvh2

Năm 2015, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1705/QĐ-UBND ngày 26/8/2015 về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Từ đó đã tạo đà cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển vượt bậc. Làng nghề mộc tại xã Xuân Phương cũng là một trong những làng nghề có những đổi thay trong sự đổi thay và phát triển chung của các làng nghề tỉnh Nam Định. Để từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp cơ sở đứng vững, tồn tại, phát triển và khẳng định mình trong nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng và thực hiện phương án đầu tư, mua sắm máy móc, thiết bị trong sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của cơ sở là một việc làm hết sức cần thiết. Nhận thức được điều đó hộ kinh doanh Bùi Văn Hiệu đã mạnh dạn xây dựng kế hoach đầu tư mua sắm thiết bị tiên tiến để áp dụng vào một số khâu trong quá trình sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ của mình. Để thực hiện chiến lược phát triển sản xuất các sản phẩm tinh chế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, năm 2018 từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất đồ nội thất” cho Hộ kinh doanh Bùi Văn Hiệu tại xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, chủ yếu là sản xuất đồ mộc gia dụng, gỗ mỹ nghệ…Với sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia hộ kinh doanh đã đầu tư mua sắm máy đục gỗ CNC mới, máy đục gỗ CNC của cơ sở đầu tư với ứng dụng công nghệ 3D chất lượng cao, kỹ thuật tiên tiến, dễ sử dụng, hoạt động ổn định, nâng cao được năng suất, chất lượng từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

hkdtvh3

Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm

Ông Bùi Văn Hiệu – Chủ hộ kinh doanh cho biết: “Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đề án đã góp phần giúp cơ sở chuyển hướng sản xuất, từng bước hiện đại hóa thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất lao động gấp 1,5 lần so với trước và giải phóng 50% sức lao động chân tay, sản phẩm làm ra có độ chính xác cao, giúp doanh thu của hộ kinh doanh tăng, thu nhập người lao động ổn định ở mức 5,5 – 6 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt là giúp cho cơ sở tiết kiệm điện năng trong quá trình sản xuất, giảm giá thành nhờ đó cũng có thêm khách hàng mới và nâng được sản lượng và giải quyết được việc làm cho lao động địa phương.

Có thể thấy nguồn kinh phí khuyến công đã góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị mới trong sản xuất, giúp doanh nghiệp nâng cao được ý thức thực hành tiết kiệm năng lượng đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến chất lượng mẫu mã sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài nước. Việc hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp, đây là bước đệm cho việc doanh nghiệp mở rộng sản xuất sau này, tạo ra thêm nhiều sản phẩm đạt chất lượng cung ứng cho thị trường.

Thực hiện: Kim Thanh – IPC1

Ảnh: Quốc Dũng