30/08/2021

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Thái Bình

Những năm qua, công tác khuyến công của tỉnh Thái Bình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó, công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động công nghiệp nông thôn mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa.

thaibinhdaotao1

Lớp học may do TTKC tỉnh Thái Bình tổ chức tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công và chủ trương của UBND tỉnh, tận dụng mọi nguồn lực, khai thác triệt để tiềm năng sẵn có nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư tại Thái Bình, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (TTKC) tỉnh Thái Bình đã triển khai công tác khuyến công một cách hiệu quả. Từ nguồn vốn khuyến công, TTKC phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các địa phương tổ chức, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người lao động như: Đào tạo nghề, mở lớp máy may công nghiệp… đáp ứng nhu cầu cho thị trường một lực lượng lao động có trình độ, nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Thái Bình, qua đó tuyển dụng được lao động có trình độ, không qua đào tạo.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TTKC đã tổ chức mở 21 lớp đào tạo nghề máy may công nghiệp cho 735 học viên là người dân trong độ tuổi lao động nông thôn trên địa bàn. Đây là việc làm rất thiết thực với người dân, phù hợp với sự phát triển chung mà UBND tỉnh quan tâm, đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các tổ chức, doanh nghiệp may vào tỉnh. Mặt khác, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hải – Giám đốc TTKC tỉnh Thái Binh cho biết: Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh nhằm phát huy các thế mạnh của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn của tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho Sở Công Thương – TTKC thực hiện các chương trình, Đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư máy móc, phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. .

thaibinhdaotao2

Hội nghị tuyên truyền công tác khuyến công tại Thái Bình

Qua trao đổi tại địa phương, ông Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhờ chính sách ưu đãi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nhà máy tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhằm thu hút một lực lượng lớn lao động nông thôn, qua đó, để đảm bảo cung cấp nguồn lao động nông thôn có trình độ, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đóng trên địa bàn, thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương đang được chú trọng. Được sự quan tâm của các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình, Sở Công Thương – TTKC Thái Bình tổ chức các chương trình hỗ trợ cho địa phương như: Tổ chức lớp tập huấn sửa chữa máy nông nghiệp; lớp tập huấn về tiết kiệm năng lượng… Đặc biệt, năm 2019 – 2020, TTKC đã mở lớp đào tạo nghề may tại xã Quỳnh Xá và thu hút được một lượng lớn lao động nông thôn tham gia, đây là việc làm rất cần thiết và hiệu quả, giúp cho người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo bà Mai Thị Hiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Xá cho biết: Năm 2019, TTKC tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức mở 02 lớp may công nghiệp miễn phí tại địa phương cho các đối tượng nam, nữ tuổi từ 15 đến 45, thời gian đào tạo là 03 tháng, sau khóa học các học viên phải thi đỗ và được TTKC cấp chứng chỉ. Đến nay, các học viên đã tìm được việc làm tại các công ty may hoạt động trên địa bàn như: Công ty may Đức Giang, Công ty Tân Đệ 7, Công ty TNHH INNOFLOW VINA… với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, nên người dân rất phấn khởi và mong muốn, TTKC tiếp tục mở lớp đào tạo máy may công nghiệp tại địa phương, để người dân được đăng ký tham gia học tập có tay nghề, chứng chỉ có cơ hội tìm việc làm, tạo thu nhập nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

thaibinhdaotao3

Người dân, doanh nghiệp tìm hiểu về hoạt động khuyến công

Chị Lê Thị Thu Dung – thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình chia sẻ: Thông qua Hội Phụ nữ xã, chị đã đăng ký tham gia học lớp học máy may công nghiệp, sau 03 tháng học, chị đã tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ học nghề, cơ hội tìm việc làm đã đến với chị. Sau khi tốt nghiệp chị đã được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH INNOFLOW VINA, chuyên sản xuất đồ chơi thú gấu bông và các con vật… để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu Âu. Với những kiến thức chị được các giáo viên dạy và hướng dẫn trong khóa học, đã đáp ứng được yêu cầu từ phía công ty tuyển dụng, công việc cụ thể của chị là: Chuyên may quần, áo cho các con vật đồ chơi bằng máy may công nghiệp, thu nhập bình quân khoảng 07 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước. Theo chị, với mức thu nhập trên chị đã trang trải, chăm sóc cho cuộc sống gia đình tốt hơn so với làm nông nghiệp và lao động tự do trước đây.

Có thể nói, công tác khuyến công tại Thái Bình trong những năm qua đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, tạo sự chuyển biến tích cực và những đột phá trong phát triển kinh tế vùng nông thôn, giúp cho người lao động tiếp cận máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhằm phát triển kinh tế một cách đồng đều, rút ngắn khoảng cách giũa khu vực nông thôn và thành thị, thực hiện đúng chủ trương của UBND tỉnh, tạo đà cho sự phát triển bền vững và những năm tiếp theo.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/