28/05/2020

Hà Nam: Vốn khuyến công giúp DN mạnh dạn đổi mới thiết bị sản xuất

Những năm gần đây, nguồn vốn khuyến công tỉnh Hà Nam đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới dây chuyền thiết bị, máy móc tiến tiến. Qua đó giúp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo thêm việc làm cho người dân.

hanamdoimoi

Sản xuất hàng thêu ren tại Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK, xã Thanh Hương (Thanh Liêm)

Trong 2 năm 2018-2019, Hà Nam đã thực hiện nhiều đề án khuyến công, bao gồm các đề án về Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cho các lĩnh vực: May mặc, đồ gỗ mỹ nghệ, hàng thêu ren xuất khẩu… Trong đó, đã có 20 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) được hỗ trợ 4,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương trong việc đổi mới, trang bị máy móc sản xuất, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, điển hình như như: Công ty TNHH May Hoàng Tuyên; Công ty TNHH May Lâm Mai (TP Phủ Lý); Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Xây dựng Hùng Phát (TX Duy Tiên); Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK (huyện Thanh Liêm); Công ty TNHH Hợp Phát (huyện Bình Lục)…

Theo anh Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Quyên LHK cho biết, Công ty anh chuyên sản xuất hàng thêu ren, vừa qua, Công ty được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam (Sở Công Thương) hỗ trợ 194 triệu đồng để mua máy thêu ren do Hàn Quốc và Nhật Bản sản xuất. Máy thêu là dòng máy mới, hiện đại, đã giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động mà còn giúp tiết kiệm điện, đặc biệt là sản phẩm có độ sắc nét cao, cạnh tranh được với nhiều cơ sở sản xuất khác. Nhiều khách hàng tỏ ra rất hài lòng và còn đề nghị mời doanh nghiệp hợp tác sản xuất lâu dài, nhờ đó doanh nghiệp cũng ký được nhiều hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Cũng giống anh Tuấn, năm 2019, anh Trần Đức Thuật ở thôn Nhất Trì (phường Tiên Nội, TX Duy Tiên) mua 2 máy đục gỗ CNC và nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Anh Thuật chia sẻ từ khi đầu tư máy cắt gỗ CNC, anh Thuật đã mạnh dạn làm và có được những đơn hàng lớn hơn, lên tới 100-200 triệu đồng thay vì chỉ vài triệu đồng/đơn hàng như trước đây, điều mà anh Thuật chưa từng nghĩ tới.

“Làm nghề đã chục năm nay và đã biết máy đục gỗ CNC nhưng phải đến bây giờ tôi mới mua được máy. Thú thực cơ sở ở nông thôn, sản xuất nhỏ lẻ, kinh phí khó khăn, nếu không được UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí khuyến công thì tôi khó có thể mua được máy CNC để làm”, anh Thuật bày tỏ.

Ông Nguyễn Liên Hồng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian qua, công tác khuyến công và xúc tiến thương mại đã thực hiện theo kế hoạch đăng ký, đảm bảo về tiến độ thời gian. Nội dung khuyến công đa dạng và phong phú, hiệu quả hơn. Quy mô, chất lượng các đề án được nâng cao và có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2020, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động khuyến công, qua đó tiếp tục hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT, làng nghề tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm CNNT tiêu biểu nằm tạo điều kiện thuận lợi cho khâu lưu thông hàng hóa, thúc đẩy sản xuất ngày càng phát triển.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/