24/05/2018

Hà Nam: Siết quản lý cụm công nghiệp

Nhằm tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý và thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN), tỉnh Hà Nam đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
Nhằm tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý và thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN), tỉnh Hà Nam đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
hanam26
Hạn chế ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp
Hà Nam hiện có 17 CCN – TTCN với tổng diện tích quy hoạch 356 ha, đã thu hút 185 dự án, với nguồn vốn đăng ký hơn 12.278 tỷ đồng. Trong đó, có 160 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, 11 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và 14 dự án chưa triển khai hoặc tạm dừng hoạt động. Năm 2017, doanh thu của các doanh nghiệp (DN) trong CCN – TTCN đạt 12.181 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2016, giải quyết việc làm cho gần 12.000 lao động.
Theo đánh giá chung, các CCN trên địa bàn đã thu hút được các DN nhỏ trong khu dân cư, hộ gia đình ở các làng nghề vào mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy làng nghề phát triển. Mặc dù vậy, hiện trạng phát triển các CCN-TTCN còn nhiều hạn chế khi có tới 15/17 cụm CN – TTCN chưa có trạm xử lý nước thải; cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thoát nước xuống cấp nghiêm trọng song chưa được cải tạo nâng cấp; nhiều DN trong cụm còn sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển nhượng, cho thuê không đúng quy định, đầu tư không đúng dự án đăng ký… gây lãng phí đất đai. Đáng lưu ý, việc quản lý các CCN – TTCN chưa có sự thống nhất; một số cụm chưa có quy chế hoạt động, quyết định thành lập và quy hoạch chi tiết.
Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định một phần xuất phát từ các văn bản quy phạm pháp luật trước đây không đồng nhất dẫn tới việc triển khai còn nhiều bất cập. Các biểu mẫu, hướng dẫn tiêu chí, điều kiện, thủ tục thẩm định phê duyệt quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm không chặt chẽ. Đặc biệt, phối hợp giữa các đơn vị, địa phương để hoàn thiện thủ tục, triển khai các quy trình từ việc lập hồ sơ chi tiết thành lập đến mở rộng, bổ sung quy hoạch CCN – TTCN còn hạn chế. Ngoài ra, thiếu phương án đề xuất xử lý các vi phạm của nhà đầu tư trong CCN -TTCN.
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý CCN- TTCN, Sở Công Thương Hà Nam đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, Sở sẽ sớm xây dựng Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý CCN, trong đó tham mưu UBND tỉnh thống nhất đơn vị kinh doanh hạ tầng cho các CCN – TTCN chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Nắm bắt tình hình hoạt động CCN-TTCN, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN về thủ tục hồ sơ cũng như trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh. Rà soát các cuộc thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện chồng chéo giữa các đơn vị, bảo đảm không kiểm tra quá 1 lần/DN/năm.
Tại buổi làm việc về hoạt động của các CCN – TTCN và tình hình phát triển làng nghề mới đây, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các huyện, thành phố xác định rõ thời gian cụ thể để hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định đối với các CCN – TTCN, đặc biệt là hoàn tất công tác quy hoạch chi tiết đối với những cụm chưa có quy hoạch hoặc mở rộng nhưng chưa bổ sung quy hoạch. Tập trung thu hút DN đầu tư vào CCN – TTCN; sớm ban hành quy chế quản lý, hoạt động cho từng cụm. Các ngành tiếp tục rà soát DN vi phạm về sử dụng đất, kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với những dự án vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, phấn đấu đưa các cụm CN – TTCN đi vào hoạt động đúng theo quy định, phát huy hiệu quả.