EVFTA tạo lực hút cho ngành dệt may
Dệt may là một trong những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, tại tọa đàm “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu”, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – khuyến cáo, dệt may đang bước vào sân chơi lớn, quy mô toàn cầu, nếu không thành lập chuỗi cung ứng mang tính bền vững và cải cách theo yêu cầu của hiệp định sẽ khó tận dụng được lợi thế thị trường.
Nhận diện điểm nghẽn
Theo ông Lương Hoàng Thái, EU vốn là đối tác “khó tính” trong xây dựng FTA của Việt Nam. Sự “khó tính” thể hiện ở việc EU luôn đòi hỏi đối tác không chỉ thiết lập quan hệ thương mại thuần túy mà phải cải cách về kinh tế. Do đó, để FTA với EU đạt hiệu quả, mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên, ông Lương Hoàng Thái cho rằng: “Việt Nam phải chứng minh cải cách mạnh mẽ, thể hiện được sự vươn lên trong thực hiện các cam kết”.
EU là thị trường đứng đầu thế giới về nhập khẩu hàng dệt may và EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam. Song, việc bắt buộc cải cách của hiệp định chính là thách thức lớn đối với ngành truyền thống như dệt may với rất nhiều điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, trong đó thách thức lớn chính là giải bài toán nguồn cung thiếu hụt, đầu tư công nghệ dệt nhuộm, xử lý môi trường, năng suất lao động.
Cơ hội thách thức đan xen với ngành dệt may
Thực tế, cả một giai đoạn trước đây, lợi thế của ngành dệt may Việt Nam chủ yếu dựa vào lao động, chi phí thấp, trong khi tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp (DN) dệt may mới đạt khoảng 40 – 45%. Khó khăn hơn trong bối cảnh hiện nay đó là dệt may đang đứng trước cạnh tranh về làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Trung Quốc, Banglades, Ấn Độ. Theo đó, nếu không thu hút và giữ chân được nhà đầu tư, tạo chuỗi liên kết thì sẽ khó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Nhận định về cơ hội, thách thức mà EVFTA với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – chia sẻ, EVFTA là hiệp định được ngành dệt may mong chờ từ lâu. Thuận lợi hiện nay là EU vẫn là thị trường chiến lược lâu dài, nhiều dòng hàng có giá trị gia tăng cao. Dù vậy, cơ hội đang đan xen thách thức khi ký kết EVFTA. “EU có những yêu cầu cao, nghiêm ngặt về nguyên tắc xuất xứ, môi trường, lao động với sản phẩm dệt may, vì thế, đây sẽ là những trọng yếu trong chiến lược phát triển của dệt may Việt Nam thời gian tới”- ông Giang nói.
Có chiến lược thu hút đầu tư
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI) – cho biết, năm 2018, dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đạt 5,6 tỷ USD, đây là con số rất lớn nhưng cũng chỉ chiếm 2,02% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của EU. Còn thông tin từ ông Vũ Đức Giang, Trung Đông đang nổi lên là thị trường mới, tiềm năng của dệt may Việt Nam.
Ông Giang cho biết thêm, hiện đang có nhiều DN đến từ Pháp, Mỹ, Israel đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, đây chính là tín hiệu tích cực tạo động lực thu hút đầu tư vào phần cung thiếu hụt của ngành. “Điều chúng ta cần hiện nay chính là những chính sách tạo lực hút với các DN, nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất nguồn cung đang thiếu hụt của dệt may từ Chính phủ, địa phương; cần sự chung tay của các cơ quan quản lý trong quản lý xuất xứ hàng hóa chứ không chỉ đặt nặng trách nhiệm này lên vai DN” – ông Giang nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, dệt may không được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU nhưng lại là ngành hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Với những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều hiệp định khác, đó là động cơ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam. Vì thế, cần có một chiến lược đầu tư cho công nghiệp dệt nhuộm, giải quyết nguồn cung cho dệt may, thúc đẩy lĩnh vực thiết kế phát triển từng bước nâng giá trị dệt may của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Để thúc đẩy Hiệp định EVFTA sớm đi vào thực thi đạt hiệu quả, theo ông Lương Hoàng Thái, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị hồ sơ để Quốc hội xem xét, phê chuẩn, nhưng khi phê chuẩn Quốc hội đặc biệt quan tâm đến chương trình hành động thực thi cam kết. “Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành xây dựng các chương trình hành động với cơ chế phối hợp, giám sát cụ thể. Quá trình triển khai kế hoạch hành động hy vọng có sự tham gia của DN, địa phương để bắt tay thực thi hiệp định hiệu quả, cũng như xử lý kịp thời khó khăn cho ngành dệt may tận dụng EVFTA” – ông Thái nói.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam
Để Hiệp định EVFTA có hiệu quả cho từng DN, dòng hàng của ngành dệt may, Bộ Công Thương cần sớm đưa ra dòng thuế trong từng mặt hàng; tổ chức các hội thảo tuyên truyền về hiệp định; truyền thông cụ thể, rõ nét hơn các cam kết, ưu đãi để DN xây dựng chiến lược ngành hàng phù hợp với tiêu chuẩn của EU.
Nguồn: https://congthuong.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ