17/10/2023

Đưa thương hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Giấm Kim Ngân đi xa

kimngan1Theo lời giới thiệu của cán bộ Trung tâm khuyến công và Tư vấn công nghiệp 1, tôi có dịp làm việc với chị Bạch Kim Ngân, Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), doanh nghiệp chuyên sản xuất giấm hoa quả. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chị về hành trình khởi nghiệp nâng cao giá trị nông sản Việt, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bài toán phát triển thị trường.

Được biết, chị Bạch Kim Ngân đang là cô giáo dạy môn Hóa học tại Trường THCS Phì Điền, huyện Lục Ngạn, lý do nào để chị đam mê với sản xuất mặt hàng giấm từ nguồn nguyên liệu là quả vải.

Chị Bạch Kim Ngân: Sinh sống từ vùng quê vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang, nơi được xem là vùng “thủ phủ” của vải thiều. Chứng kiến câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã quá quen thuộc với quả vải của bà con Bắc Giang. Những trăn trở đó, tôi luôn đau đáu cần phải làm điều gì đó cho quê hương. Ý tưởng làm giấm từ quả vải ấp ủ trong chị cũng bắt đầu từ đó.

Sản phẩm giấm trái cây là một đề tài nghiên cứu khoa học của tôi. Khi tìm hiểu về công dụng của giấm tôi vô cùng thích thú. Trong khi ở Việt Nam rất nhiều các loại trái cây có thể lên men thành giấm, nhưng giấm trái cây chúng ta vẫn nhập chủ yếu của nước ngoài với giá thành rất cao.

Việt Nam ngoài có nhiều vùng trái cây lớn, điều kiện nhiệt độ rất phù hợp cho quá trình lên men giấm. Năm 2013, tôi bắt đầu thử nghiệm đầu tiên với 5 tạ vải thiều lên men với mật ong. Kết quả tạo ra một loại giấm vải rất đặc sắc. Tôi đưa ra thị trường và được nhiều khách hàng đón nhận.

Năm 2014, tôi tiếp tục đầu tư nhà xưởng công nghệ và thu mua 30 tấn vải thiều, nhưng chất lượng không được như kỳ vọng. Sau khi phân tích đánh giá nguyên nhân khắc phục những lỗi sai. Các năm sau, chúng tôi tiếp tục lên men tiếp các trái cây khác như táo mèo, táo xanh của Lục Ngạn và mơ bắt đầu cho ra những sản phẩm có chất lượng cao. Chúng tôi bắt đầu xây dựng hình ảnh thương hiệu sau nhiều lần thay đổi, tham gia các cuộc thi của tỉnh Bắc Giang, Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Bộ Công Thương.  Năm 2019, sản phẩm giấm Kim Ngân đã đạt danh hiệu Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự với sản phẩm giấm Kim Ngân; cũng năm đó, doanh nghiệp có 4 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

kimngan2

PV: Tạo ra sản phẩm thuần tự nhiên đã rất khó khăn, nhưng việc phân phối sản phẩm còn không hề dễ dàng. Xin chị cho biết, quá trình đến tay người tiêu dùng của sản phẩm giấm Kim Ngân?

Chị Bạch Kim Ngân: Gia đình, bạn bè trở thành khách hàng đầu tiên thử hương vị giấm thành phẩm của tôi. Khi giấm được mọi người khen rất thơm ngon, đặc biệt, mang đi kiểm nghiệm lại đạt tiêu chuẩn, tôi tự tin việc làm ra loại giấm mà người khác chưa từng nghĩ đến là: giấm vải mang thương hiệu giấm Kim Ngân.

Quá trình làm tôi sử dụng công nghệ lên men tĩnh, thanh trùng, lão hóa trong sản xuất giấm khiến mùi vị của giấm để càng lâu càng thơm như rượu vang. Được làm từ 100% quả vải và mật ong, giấm Kim Ngân không chỉ được dùng với các công dụng quen thuộc như: pha nước chấm, trộn nộm, gỏi mà còn có thể dùng như một thức uống bổ dưỡng.

Năm 2015, sản phẩm giấm vải Kim Ngân của cô giáo làng chính thức ra mắt thị trường. Từ đó cho đến nay, qua nhiều năm quyết tâm, lăn lộn khởi nghiệp, cô giáo Ngân đã trở thành Giám đốc của Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân có cơ sở sản xuất hơn 1000m2 tại Lục Ngạn, mỗi tháng sản xuất 20-30 ngàn lít giấm cung cấp cho thị trường. Mỗi năm giúp bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ trung bình 50- 60 tấn cùi vải để sản xuất giấm.

Đặc biệt, hiện nay cơ sở đã phát triển thương hiệu giấm kim ngân có 6 dòng sản phẩm Giám gia vị là giấm vải kim ngân, giấm táo xanh kim ngân, giấm táo mèo kim ngân, giấm mơ kim ngân, giấm tỏi ớt kim ngân, tỏi ngâm giấm kim ngân và Giấm dưỡng sinh là giấm thanh lọc kim ngân.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân đã xuất hiện trên kệ hàng các siêu thị lớn như Vinmart, Aeon, Fivimart, … và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn quốc. Khi có chỗ đứng nhất định trên thị trường rồi mình càng phải chú trọng chất lượng sản phẩm, quan tâm hơn đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Chẳng có ai chấp nhận được sản phẩm của một thương hiệu khởi nghiệp xù xì mãi được.

PV: Việc sản phẩm giấm Kim Ngân có được danh hiệu Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, doanh nghiệp có 4 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, điều này góp phần thương hiệu giấm Kim Ngân phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa chị!

Chị Bạch Kim Ngân: Để sản phẩm có mặt trên kệ các siêu thị lớn và tồn tại được, công ty chúng tôi đã nỗ lực thay đổi về tư duy tầm nhìn hình ảnh mẫu mã chất lượng sản phẩm. Công ty TNHH TM Giấm Kim Ngân đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cũng khiến cơ hội  tham gia các hội chợ để đưa sản phẩm nhiều hơn. Việc này cũng đồng nghĩa  đến tay người tiêu dùng và các nhà quản lý các hệ thống siêu thị nhiều hơn. Việc dùng thử sản phẩm, cảm nhận và khi đối tác muốn hợp tác thì phải nhanh chóng thay đổi theo yêu cầu của họ, điều đó giúp đưa sản phẩm lên kệ hàng trong thời giam sớm nhất. Vì vậy, việc nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ các sản phẩm đạt ocop và công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một lợi thế cho các nhà sản xuất khi đạt được những tiêu chuẩn này.

Mặt khác, việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sang các thị trường nước ngoài với công ty nhỏ như chúng tôi vẫn gập nhiều khó khăn, chúng tôi chưa có thể đầu tư bài bản cho thị trường, mở văn phòng đại diện như những công ty lớn. Chúng tôi kết hợp với các nhà xuất khẩu mở các sàn thương mại điện tử. Khi có đối tác quan tâm họ yêu cầu mẫu hoặc kiểm nghiệm,  công ty phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Điều tôi tâm đắc là, Công ty TNHH TM Giấm Kim Ngân hiện vẫn là công ty nhỏ nhưng đã tạo việc làm, đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 10 lao động, ổn định cuộc sống cho người lao động. Đồng thời, Công ty TNHH TM Giấm Kim Ngân tạo nhiều việc làm thời vụ cho những lao động nông nhàn bán thời gian. Điều đặc biệt, công y tạo ra thêm những sản phẩm cho vùng quê, tận dụng những nguyên liệu, tiêu thụ bớt một phần nông sản do người nông dân tạo ra.

Xin cảm ơn bà!

Thăng Long – Tạp chí Công Thương (thực hiện)