31/08/2022

Động lực giúp ngành Chè Thái Nguyên phát triển bền vững

Được ví là vùng “đệ nhất danh trà” của Việt Nam, từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã xác định chè là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nhiều sản phẩm chè của địa phương đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường trong nước, cũng như quốc tế.

dongluc1

Các sản phẩm chè của Thái Nguyên đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường trong nước, cũng như trên thế giới

Có được kết quả đó, cũng là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Khuyến công) khi đã đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng các công nghệ hiện đại trong chế biến sản phẩm chè.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 22.444 ha diện tích trồng chè, trong đó hơn 6.813 ha là vùng sản xuất chè theo hướng hữu cơ và có chứng nhận đủ điều kiện an toàn để sản xuất sản phẩm chè xuất khẩu quốc tế. Đến nay, đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất chè mạnh dạn đổi mới, đầu tư thiết bị công nghệ để đóng gói tự động, sử dụng tem điện tử để truy xuất, minh bạch hóa nguồn gốc sản xuất, cũng như xuất xứ sản phẩm. Đặc biệt, còn có 13 doanh nghiệp, 27 hợp tác xã, 114 hộ sản xuất kinh doanh đã đăng ký sử dụng nhãn hiệu, cũng như hình thành một số vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Tuy nhiên, dù đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng, nhưng do bất cập trong khâu chế biến, bảo quản đã khiến cho sản phẩm chè của một số ít các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đang thiếu đi sức cạnh tranh trên thị trường.

Trước thực trạng này, hàng năm, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên đều lập kế hoạch và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp về vốn để đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ, cũng như tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về tính hiệu quả của các mô hình ứng dụng công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất chè nhằm giúp các cơ sở từng bước tiếp cận, chuyển đổi và ứng dụng thành công. Nổi bật, trong năm 2022 này, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ xóm Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) để trang bị mới một máy vò chè.

Máy có thông số kỹ thuật nổi bật gồm: Loại 4 chân, thép góc L50x50 đảm bảo độ cứng, đứng vững, ổn định khi vận hành; Mâm vò vuông làm bằng gỗ keo, có kích thước 700mm x 700mm; Thùng vò có đường kính D = 300mm, cao 250mm, dầy δ = 1,2mm (vật liệu tôn Inox loại SUS201 mới 100% do Nhật Bản, Hàn Quốc và EU sản xuất); Vung máy làm bằng Inox; Vòng quay cối vò: 50 – 55 vòng/phút…

Ưu điểm của máy vò chè mang lại là rất tiết kiệm thời gian và nhân công so với cách làm truyền thống trước đây, máy có thời gian sử dụng lâu hơn so với các loại cối vò thông thường. Nhờ có máy vò chè mà lá chè săn hơn, đẹp hơn, đều hơn và không bị nát vụn, vỡ mất búp chè xanh. Sau khi công đoạn vò chè hoàn thành, lá chè tiếp tục được cho lại vào bom sao chè. Sự gia nhiệt, kết hợp với hệ thống quạt gió sẽ làm bay hơi nước hoàn toàn của lá chè để chè được khô. Đặc biệt, do truyền động bằng động cơ điện, mâm vò bằng gỗ có kết cấu vững chắc kết hợp với bánh răng Inox cho phép tạo ta các sản phẩm chè cánh nhỏ, đẹp, không bị vụn nát. Qua đó, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè làm ra.

dongluc2

Thái Nguyên có vùng nguyên liệu chè lớn nhất cả nước

Ông Nguyễn Văn Tỵ – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ xóm Khe Cốc cho biết: Trải qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, cũng như tiềm năng về đầu ra của các sản phẩm từ trà xanh, Hợp tác xã chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, sân kho, máy móc,… Ban đầu, Đơn vị đã gặp không ít những khó khăn, nhưng được sự quan tâm và ủng hộ của Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên thì đến nay, Hợp tác xã đã có những bước phát triển tích cực. Thông qua hệ thống máy móc hiện đại do Trung tâm hỗ trợ, các sản phẩm trà làm ra đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm và được đông đảo khách hàng tin dùng. Đặc biệt, với công suất hoạt động ổn định, hàng năm sẽ đem lại lợi nhuận cao cho Tổ hợp sản xuất; Đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bên cạnh đó, nhờ sức tiêu thụ của thị trường tăng nên chúng tôi còn có thêm điều kiện thu gom một lượng lớn chè xanh từ người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH, cũng như mở rộng diện tích đất trồng chè tại địa phương.

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên chia sẻ: “Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ xóm Khe Cốc đã hoàn thiện hệ thống máy móc sản xuất chè. Việc ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp Tổ hợp tác nâng cao tính chủ động trong khâu sản xuất, cũng như tăng năng suất và chất lượng của sản phẩm làm ra, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Từ đó, nâng cao uy tín, thương hiệu của Đơn vị trên thị trường, cũng như tạo điều kiện giảm giá thành và từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tạo ra lợi nhuận cho cơ sở sản xuất và tăng khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương”.

Có thể khẳng định, từ sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và người dân địa phương, cùng sự nhiệt huyết của cán bộ làm công tác khuyến công, hoạt động khuyến công Thái Nguyên đã phát huy tác dụng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn ổn định sản xuất, phát triển. Qua đó, góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu chè phong phú tại địa phương để từng bước nâng cao vị thế, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên ngày một vươn xa ra thị trường quốc tế.

Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/