01/07/2018

Định hướng phát triển kinh tế số cho Việt Nam

Sáng ngày 28/6/2018, Bộ Công Thương phối hợp với Diễn đàn kinh tế Thế giới tổ chức hội thảo Định hướng phát triển kinh tế số cho Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Justin Wood – Trưởng đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; Bà Kelly Ommundsen – Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF cùng các thành viên đến từ các doanh nghiệp trong nước.

Hội thảo giúp doanh nghiệp cũng như đơn vị chuyên trách có cái nhìn tổng thể về thực tiễn, xu thế phát triển của kinh tế số, từ đó, đưa ra định hướng xây dựng và phát triển kinh tế cho Việt Nam trong thời gian tới.

kinhteso1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho mỗi quốc gia trong trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực được ra đời, mang lại những lợi ích to lớn mà các giai đoạn trước không có được.

Tại Việt Nam, xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện trong mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến y tế, giáo dục, du lịch, vận chuyển… Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn; Internet vạn vật; Trí tuệ nhân tạo ; Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)… đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Nền kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng để xử lý các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước và tái cơ cấu trong ngành Công Thương để bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại, cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa nguồn lực đầu vào, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

kinhteso3

Kinh tế số được dự đoán sẽ mang lại những ảnh hưởng và thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành cung – cầu của thế giới. Có thể nói, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số đang tạo ra những xu hướng mới và nhu cầu mới. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng, khai thác tối đa lợi ích và chuẩn bị tốt nhất đối với những thay đổi cần thiết để xây dựng kinh tế số trong thời gian tới.

Từ kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế số mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã tham khảo tại Đan Mạch, bà Kelly Ommundsen, Trưởng nhóm cộng đồng, Sáng kiến Kinh tế số và Hệ thống xã hội WEF khuyến cáo, với việt Nam việc đầu tư về chuyển đổi số không chỉ là doanh nghiệp mà đầu tư đó dành cho toàn xã hội. Việc phát triển kinh tế số không chỉ dừng lại từng cá nhân mỗi quốc gia mà đánh giá trên tổng thể vai trò của cả khu vực, ví như đánh giá tổng thể xu hướng phát triển của kinh tế số của ASEAN như thế nào để đặt Việt Nam trong bối cảnh chúng đó mới xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế số hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng để xây dựng chiến lược kinh tế số thành công thì Việt Nam phải kết nối được các bộ, ngành trong tổng thể hệ thống.

Nguồn: Báo công thương