Đi tìm chìa khóa giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng lao động tại Việt Nam
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mới đây đã thẳng thắn khuyến nghị Việt Nam sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của lực lượng lao động, nhằm bảo đảm tăng trưởng nền kinh tế – xã hội được duy trì bền vững và công bằng.
Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018 của ADB mới ra mắt ngày 11/4/2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ bứt phá lên tới 7,1% trong năm nay, trước khi giảm nhẹ xuống mức 6,8% vào năm 2019.
ADB nhận định, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực, với sự hỗ trợ từ năng lực quản lý kinh tế vĩ mô của các cấp chính quyền.
“Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.” – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick (ngồi giữa) nhận định về sự bứt phá của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018
Cùng với đó, lực lượng lao động chính là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Nguồn lao động dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp tại Việt Nam chính là nhân tố quan trọng để thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/4/2018 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 586,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2017. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%.
Tính riêng quý I/2018, lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 54,0 triệu người, bao gồm 20,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 38,6% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 14,4 triệu người, chiếm 26,7%; khu vực dịch vụ 18,7 triệu người, chiếm 34,7%.
Kể từ năm 2012, riêng các ngành sản xuất chế tạo tại Việt Nam đã hấp thụ trung bình hơn 400.000 lao động mỗi năm.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung. Trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nêu “lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ” là hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Một số vấn đề nổi cộm nhất khi kinh doanh ở Việt Nam trong đó “Thiếu lao động được đào tạo” xếp thứ 2, theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018
Tương tự, khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các doanh nghiệp, khoảng 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.
Theo chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia của ADB Aaron Batten, để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề, đó là mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng, và tinh giản quản trị.
Chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia của ADB Aaron Batten tại buổi họp báo ra mắt Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2018 sáng 11/4/2018
Đại diện ADB cho rằng, việc mở rộng tiếp cận là yếu tố then chốt. Lực lượng lao động của Việt Nam đang tăng nhanh. Từ 38 triệu người vào năm 2000, lực lượng này dự báo sẽ đạt 56 triệu vào năm 2020.
Mặc dù đã được tăng cường đầu tư, song năng lực đào tạo hiện tại của các trường, trung tâm dạy nghề không đủ để đáp ứng nhu cầu của lực lượng lao động to lớn này. Hiện tại, chỉ có 20% người lao động trên cả nước có bằng đại học hoặc được đào tạo nghề bài bản.
Hiện tại, chỉ có 20% người lao động trên cả nước có bằng đại học hoặc được đào tạo nghề bài bản
Song song với đó, bài toán cải thiện chất lượng cũng cần được tập trung giải quyết. Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế cho thấy học sinh trung học của Việt Nam có kết quả học tập một số môn khá hơn đáng kể so với học sinh các nước khác ở Đông Nam Á, kể cả học sinh ở những nước giàu hơn như Thái Lan hay Malaysia. Tuy nhiên, cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc xây dựng cho sinh viên đại học năng lực tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng quản lý con người trong hoàn cảnh thực tế.
Minh chứng cho vấn đề này, xếp hạng của Việt Nam về cảm nhận chất lượng hệ thống giáo dục đại học trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018 đã tụt một bậc xuống vị trí 84 trong gần 140 quốc gia được khảo sát. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xếp thứ 120 về chất lượng các trường quản lý, đây là điểm xếp hạng thấp nhất trong tất cả các cấu phần nội dung của chỉ số. Kết quả này bộc lộ nhu cầu cấp bách phải khớp nối được chương trình đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp.
Việt Nam xếp thứ 84/137 về giáo dục và đào tạo bậc cao, theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018
Mặc dù các nỗ lực cải cách trong những năm gần đây đã đạt một số tiến bộ, nhưng các trường đại học công lập và một số trường đào tạo nghề vẫn còn bị hạn chế bởi thiếu sự tự chủ và chương trình lạc hậu chậm đổi mới, trong khi đó các trường đại học tư thục lại bị hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh. Tóm lại, cần có sự hợp tác mạnh mẽ và nhất quán hơn giữa chính phủ và khu vực tư nhân để nâng cấp hệ thống giáo dục đại học lên tầm quốc tế và chuẩn bị tốt hơn cho học sinh bước vào thị trường lao động trong tương lai.
Đặc biệt, Việt Nam cần phải tinh giản hệ thống và công tác quản trị trường đại học và trường đào tạo nghề. Công tác quản lý hiệu quả trong thực tế khá phức tạp. Mặc dù từ năm 2005 việc kiểm định chất lượng đã trở nên bắt buộc với tất cả các trường, song trên thực tế việc áp dụng chuẩn mực chung vẫn rất khó khăn. Tương tự, tình trạng quản lý manh mún gây khó khăn cho việc xây dựng các chiến lược phối hợp nhằm đạt được mục tiêu chính sách quốc gia hoặc cùng áp dụng chuẩn mực chung và chia sẻ trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo.
ADB cũng nhấn mạnh, những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải mất một thế hệ mới đạt được kết quả, do vậy cần phải bắt tay vào công tác hiện đại hoá trường đại học và đào tạo nghề từ bây giờ. Làm vậy để đảm bảo rằng vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không trở thành nút thắt cản trở tương lai phát triển và tăng trưởng của đất nước.
Theo Tapchicongthuong.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ