Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại
Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung, hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử.
Tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại đã được các tổ chức và doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng trong những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp đang có những nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng và tối ưu hoá các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp như nâng cao năng lực về xúc tiến thương mại trên nền tảng số, số hoá tài liệu cho đào tạo trực tuyến, marketing xuất khẩu trực tuyến, vv… Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn do hạn chế về nguồn lực. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2110/QĐ-BCT ngày 7/8/2020 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã kịp thời ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định mới (tại Thông tư số 40/2020/TT-BCT) về nội dung các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Để nâng cao nhận thức và năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số, Bộ Công Thương đã triển khai hàng trăm khoá tập huấn nghiệp vụ xúc tiến thương mại trên môi trường số và xuất khẩu trực tiếp trên các nền tản thương mại điện tử quốc tế cho các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước trong 2 năm qua.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã trực tiếp triển khai và hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến. Bên cạnh đó, vệc tham gia hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước quốc tế cũng được Bộ Công thương tổ chức trên môi trường số. Kết quả là hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số (trực tuyến) đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trương, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”. Đề án đặt ra các mục tiêu cụ thể:
(1) Đến năm 2025 sẽ xây dựng, hình thành Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm; 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp; 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và bảo đảm an toàn thông tin; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 100% thủ tục hành chính lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, với 90% doanh nghiệp hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
(2) Đến năm 2030 sẽ hoàn thiện, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 75% các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp được cấp tài khoản thường xuyên hoạt động, tìm kiếm, cung cấp, chia sẻ thông tin trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; 50% các dịch vụ kết nối thị trường của doanh nghiệp được thực hiện trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ 1.000.000 lượt doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 20 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hoàn thiện, mở rộng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của 20 thị trường xuất khẩu trọng điểm; 60% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, công nghệ, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin; 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 500.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, cần tập trung thực hiện đồng bộ 03 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất là xây dựng và phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Xây dựng, phát triển và tích hợp các nền tảng gồm: (1) Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại bao gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại; (2) Nền tảng kết nối giao thương trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; (3) Nền tảng hội chợ, triển lãm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số; (4) Đào tạo trực tuyến (E-learning) tích hợp các kho học liệu, thư viện điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; (5) Nền tảng định danh điện tử cho doanh nghiệp xúc tiến thương mại; (6) Các nền tảng chuyên ngành khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.
Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số phải được xây dựng theo kiến trúc tổng thể, thống nhất, phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ, kỹ thuật theo quy định; bảo đảm khả năng vận hành thông suốt, nâng cấp, mở rộng, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Xây dựng, phát triển, thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện nhân rộng các mô hình thành công.
Thứ hai là hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Ban hành tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Sửa đổi, bổ sung quy định, thủ tục hành chính hiện hành làm cơ sở tổ chức hội chợ, triển lãm trên môi trường số. Rà soát, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến thương mại để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Thứ ba là, tăng cường, đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Xây dựng, phát triển mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ việc đẩy mạnh ứng dụng xúc tiến thương mại và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các khóa đào tạo, tổ chức diễn tập và ứng cứu sự cố an toàn thông tin. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Nguồn: https://congthuong.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ