03/07/2019

Cụm công nghiệp Bắc Ninh: Nan giải ô nhiễm môi trường

Chỉ 2 trong 22 cụm công nghiệp (CCN) đã đầu tư và đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải, con số này cho thấy vấn đề ô nhiễm môi trường CCN của Bắc Ninh đang rất nan giải.
bacninhcum1
Bắc Ninh phát triển khu, CCN thu hút các nhà đầu tư
Bắc Ninh luôn chú trọng phát triển khu, CCN nhằm tạo đủ mặt bằng, thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Hiện, bên cạnh 16 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Ninh có 33 CCN theo quy hoạch, trong đó, 22 cụm đã đầu tư và đi vào hoạt động. Dự kiến, đến năm 2030, tỉnh sẽ chuyển đổi 11 CCN sang khu đô thị dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Tiến Nhường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, sau hơn 20 năm phát triển, CCN đã thực hiện tốt vai trò điểm sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu vực làng nghề. Tuy nhiên, sau những điểm sáng, hiện trạng phát triển CCN trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều khoảng tối. Trong đó, cơ sở hạ tầng cơ bản như đường giao thông nội bộ, cây xanh… của phần lớn các CCN chưa được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, mới chỉ có 2 trong 22 CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung khiến môi trường CCN ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là CCN làng nghề.
Đáng nói, ý thức của doanh nghiệp trong CCN cũng là vấn đề đáng bàn khi tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong cụm, doanh nghiệp chỉ nộp phí xử lý nước thải hàng ngày. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp không chịu đóng và xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cùng đó, công tác quản lý đầu tư hạ tầng CCN cũng còn nhiều bất cập. Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều mô hình chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN. Đặc biệt, việc tồn tại các mô hình do UBND cấp xã và UBND cấp huyện làm chủ đầu tư hạ tầng đến nay chưa thay đổi đã ảnh hưởng đến hoạt động của CCN. Công tác phối hợp quản lý nhà nước về CCN chưa tốt, nhiều cơ quan đầu mối dẫn tới hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao, do Sở Công Thương không được quản lý toàn diện CCN.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh trong cụm gặp nhiều khó khăn. Nguyên do, chưa có quy định của nhà nước về định mức hỗ trợ, nguồn vốn hỗ trợ, cơ chế tài chính cho việc lập kế hoạch, nghiệm thu và thanh toán nguồn vốn hỗ trợ.
Việc lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư CCN cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68), Sở Công Thương thẩm định trình UBND tỉnh thành lập CCN nhưng trên cơ sở lựa chọn nhà đầu tư, trong khi Nghị định này không quy định quy trình lựa chọn chủ đầu tư. Bên cạnh đó, theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất thì việc xác định các dự án CCN là dự án sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao đã không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời thỏa đáng. Do vậy, địa phương rất lúng túng khi thực hiện 2 Nghị định nói trên trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư CCN.
Với hiện trạng trên, ông Nguyễn Tiến Nhường đề xuất Bộ Công Thương xem xét những vướng mắc và hạn chế đã được đề cập, tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 68. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác hướng dẫn triển khai thực hiện. “Các bộ, ngành nghiên cứu chế tài xử lý nghiêm doanh nghiệp hoạt động trong CCN không tuân thủ quy định pháp luật về môi trường nhằm bảo đảm sự tuân thủ tốt nhất” – ông Nguyễn Tiến Nhường nói.
Việc không tuân thủ quy định của doanh nghiệp cùng với sự chồng chéo trong công tác quản lý khiến Bắc Ninh gặp khó trong quản lý cũng như bảo đảm môi trường trong các CCN.
Theo Báo công thương