Công ty cổ phần Việt Tiến Nam Định có nhiều giải pháp phù hợp, hướng tới một chiến lược phát triển bền vững
Sau dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng khá nặng nề trong đó các cơ sở công nghiệp nông thôn là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Việc nhanh chóng đầu tư để đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm mới thích ứng với thị trường sau đại dịch là một trong những giải pháp thiết yếu để các cơ sở công nghiệp nông thôn tồn tại và phát triển.
Trong chương trình khảo sát nhằm đưa ra các nội dung hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến công cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thích ứng với thị trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Lưu Vũ Hà – Giám đốc Công ty cổ phần Việt Tiến Nam Định về vấn đề này.
Một số hình ảnh của Công ty CP Việt Tiến Nam Định
Tg: Rất vui mừng khi đã được ông dành thời gian trao đổi với chúng tôi hôm nay, xin ông cho biết một số nét chung về tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty trong thời gian qua?
Trả lời: Như chúng ta đã biết, chuỗi cung ứng ngành dệt may Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó, sự yếu kém trong khâu sản xuất nguyên, phụ liệu và sản phẩm phụ trợ đầu vào chưa đáp ứng được sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là trước những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do. Công ty Việt Tiến Nam Định chuyên sản xuất các sản phẩm là các loại bao bì từ nhựa PE, PP để phục vụ ngành dệt may, trong 2 năm vừa qua cũng đã bị ảnh hưởng khá nặng nề từ sự suy thoái của thị trường xuất khẩu hàng dệt may của nước ta. Bằng sự cố gắng và đoàn kết của tập thể cán bộ Công ty và nhờ có các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất là ngành công nghiệp phụ trợ dệt may – da giày mới đây của Chính phủ nên chúng tôi vẫn duy trì sản xuất, đảm bảo sản lượng khoảng 80% công suất so với trước dịch và có khả năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tg: Thưa ông trước tình hình khó khăn như vậy, Công ty đã có những giải pháp gì để khắc phục trong thời gian qua?
Trả lời: Trong thời gian qua Công ty chúng tôi đã triển khai rất nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, có thể kể đến như sau:
– Rà soát, sắp xếp lại toàn bộ các xưởng sản xuất nhằm tối ưu hóa vận hành, giảm thiểu các tác nhân gây lãng phí, qua đó giúp giảm giá thành sản xuất;
– Tập trung kiểm soát, tính toán tối ưu hóa từ khâu nhập nguyên vật liệu đầu vào, thiết kế sản phẩm, sản xuất tại các công đoạn nhằm nâng chất chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm;
– Bố trí nhân lực tham gia sản xuất một cách hợp lý nhất, bố trí ngân sách dự phòng để hỗ trợ nhằm đảm bảo công việc và thu nhập cho cán bộ công nhân viên của Công ty;
– Nghiên cứu, tiếp cập việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm;
– Đặc biệt, trong thời gian qua chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất các sản phẩm bao bì mới.
Tg: Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực vượt khó của Công ty trong thời gian qua, xin ông có thể trao đổi thêm về kế hoạch phát triển sản phẩm mới của Công ty.
Trả lời: Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị mới để sản xuất ra các sản phẩm bao bì có nguồn gốc từ nhựa OPP, HD, PVC qua đó đáp ứng linh hoạt các nhu cầu của thị trường. Để thực hiện giải pháp này, từ đầu năm Công ty đã bố trí lại sản xuất, dành khu vực mặt bằng nhà xưởng riêng để lắp đặt thiết bị phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng mới; tiến hành tìm kiếm các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị để ký kết hợp đồng cung cấp, chuyển giao, lắp đặt, đào tạo vận hành; song song với đó đội ngũ cán bộ kinh doanh tìm hiểu, nghiên cứu đề xuất các loại hình sản phẩm để đảm bảo sản phẩm có thể vào thị trường ngay sau khi sản xuất ổn định. Để thực hiện giải pháp này, Công ty chúng tôi đã chuẩn bị các nguồn lực về mặt bằng, nhân sự và đặc biệt là tài chính. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn chung, Công ty chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước. Nhân đây, tôi cũng xin đề xuất với các đồng chí nghiên cứu và đề xuất với Bộ Công Thương, Cục Công thương địa phương xem xét hỗ trợ cho Công ty từ nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia năm 2023 hoặc năm 2024 để Công ty mua sắm máy móc thiết bị mới phục vụ sản xuất ra các sản phẩm mới.
Tg: Chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất nhu cầu này với Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương để có thể kịp thời đồng hành, hỗ trợ Công ty, vì Phát triển công nghiệp phụ trợ để từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về các chia sẻ ngày hôm nay. Chúc Công ty ổn định phát triển trong thời gian tới!
Thực hiện: Hiển Bùi
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ