13/08/2018

Cần tạo thêm những động lực hỗ trợ cho tăng trưởng

Quan điểm này được đưa ra tại tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Quan điểm này được đưa ra tại tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây tại Hà Nội.

dongluc

Tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến đạt chỉ tiêu Quốc hội giao

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo (NCIF) nhận định, khác với bối cảnh tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, trong những tháng cuối năm 2018 sẽ nhiều thách thức trong đó có sực ép từ việc tăng giá của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác trong đó có đồng Việt Nam. Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và biến động giá giá hàng hóa cơ bản, năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

TS. Đặng Đức Anh cho rằng, mặc dù tác động trực tiếp của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nhưng tác động gián tiếp lại khá rõ rệt. Chẳng hạn, tác động của đồng USD tăng giá khiến tâm lý nhà đầu tư ảnh hưởng; minh chứng rõ nhất là trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán bán ròng khá nhiều.

Trong khi đó, bối cảnh kinh tế trong nước xuất hiện sức ép đến ổn định kinh tế vĩ mô như tỷ giá, lạm phát ngày càng lớn do yếu tố bên ngoài không còn thuận lợi như trước. Trong năm 2018, lạm phát có xu hướng tăng lên do giá dịch vụ công, giá lương thực, giao thông… tăng. “Lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát nhưng song đang chịu áp lực lớn. Điều này đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu”, TS. Đặng Đức Anh nói.

Cuối cùng, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài mất dần, không có động lực mới bổ sung, đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có dấu hiệu giảm sút. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động của phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Tác dụng của các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ. Nền kinh tế vẫn tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. “Tăng trưởng kinh tế 6 tháng ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây song đang có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ”, vị chuyên gia của NCIF nhận định.

Liên quan đến các kịch bản tăng trưởng, theo kịch bản của NCIF, năm 2018, GDP cả nước sẽ đạt mức tăng trưởng 6,83%, hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là 6,7%. Trong đó, tăng trưởng quý III đạt 6,72% và qúy IV đạt 6,56%. Theo các chuyên gia, mức tăng này tuy không bằng mức tăng của năm 2017 song vẫn duy trì được “phong độ” các quý cuối năm từ 2014 trở lại đây.

Cũng theo phân tích của NCIF, lạm phát và tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát song đang chịu áp lực lớn. Điều này đòi hỏi chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu. Bên cạnh đó chính sách bảo hộ thương mại mà chính quyền của Tổng thống D.Trump đang áp dụng chưa có tác động rõ nét song cần tiếp tục cập nhật để đánh giá tác động của xung đột thương mại Mỹ –Trung cũng như các chính sách bảo hộ của các quốc gia khác. Một số chuyên gia khuyến nghị cần quan tâm đến xu hướng giảm thuế của Mỹ có thể gây ra làn sóng giảm thuế ở một số nước khác hoặc ưu đãi nhằm giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại, từ đó làm sức cạnh tranh môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm tương đối.

Theo Báo Công Thương điện tử