Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu: Phải “nhạy cảm” với diễn biến để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần nhắc đến vai trò của mỗi công chức, viên chức trong ngành, không chỉ làm “tròn vai” trong cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, mà phải “nhạy cảm” hơn với diễn biến thời cuộc, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Hoàn thành toàn diện 3 chỉ tiêu chính
Ngày 9/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018, tại 3 đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Không khí hồ hởi lan tỏa trong hội trường sau khi Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng báo cáo tóm tắt về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm. Cả 3 chỉ tiêu chính Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành đã hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu:
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tăng 10,5%, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng 12,7%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm trước 10,5%, là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 16%, cao hơn mức đề ra của kế hoạch 8%-10%, trong đó đáng lưu ý xu hướng tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước cao hơn khối doanh nghiệp FDI từ 6 tháng cuối năm 2017 được tiếp tục trong 6 tháng đầu năm 2018.Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 14,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 20,7%)
Bán lẻ trong nước tăng 10,7%, cao hơn mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm trước.
Theo sát thời cuộc
Tuy nhiên, không khí hội trường “nóng” dần lên khi Bộ trưởng Công Thương đưa ra những phân tích, 6 tháng đầu năm tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp, không chỉ tác động đến hoạt động thương mại quốc tế nước ta, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển toàn diện, đến nền kinh tế, đến chiến lược phát triển công nghiệp, tái cơ cấu, đến doanh nghiệp của chúng ta.
Ví dụ trước đây chúng ta muốn tối đa hóa lợi ích trong các hoạt động tạm nhập tái xuất, nhưng chúng ta phải tính toán vai trò của nó trong từng thời điểm, từng giai đoạn. Nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại như hiện nay, khi hàng rào kỹ thuật và thủ tục hành chính trong thâm nhập vào thị trường trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nếu hoạt động quản lý nhà nước làm không tốt, tạm nhập tái xuất có thể là kẽ hở cho việc di chuyển xuất xứ, và khi bị phát hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược xuất khẩu bền vững nước ta. Có thể sẽ có những địa phương chưa thật đồng thuận trong việc kiểm soát nghiêm túc hoạt động tạm nhập tái xuất, nhưng quản lý nhà nước phải có quan điểm toàn diện hơn, chiến lược hơn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận tại Hội nghị
Các doanh nghiệp đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Xung đột thương mại Mỹ-Trung không phải chiến tranh thương mại đơn thuần, không chỉ là sắc thuế mà chứa đựng cả vấn đề bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, tiền tệ, tín dụng…”. Bên hành lang Hội nghị, một doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, trước khi bị Mỹ áp thuế 1 ngày, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Đến nay đồng NDT đã giảm 3% đối với đồng USD. Như thế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cao su, tinh bột sắn, rau quả, thủy sản… sang Trung Quốc sẽ thu được giá trị thấp hơn.
Sau khi đề cập đến leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Bộ trưởng mở rộng vấn đề hơn trong phát triển thị trường. Như câu chuyện đánh bắt thủy sản bất hợp pháp của ngư dân nước ta, Bộ trưởng cho rằng, đó là vấn đề hết sức nhức nhối, và đến lúc này không chỉ bó hẹp trong trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà đây là vấn đề lớn trong thương mại quốc tế của chúng ta, trong chiến lược phát triển bền vững của chúng ta. Vậy thì vai trò trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này như thế nào? Chúng ta phải có tiếng nói trong nỗ lực chung kết nối các bộ, ngành xử lý rổt ráo vấn đề này.
Trong hơn 4 tiếng đồng hồ, bên cạnh giải đáp, xử lý các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị tham mưu thuộc các doanh nghiệp thuộc Bộ, các địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhiều lần nhắc đến vai trò của mỗi công chức, viên chức trong ngành, không chỉ làm “tròn vai” trong cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, mà phải “nhạy cảm” hơn với diễn biến thời cuộc, biết nhìn nhận những sự việc cụ thể để đặt ra những vấn đề mới trong quản lý nhà nước, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, trước những biến động nhanh chóng trong tình hình hiện nay.
Theo Tapchicongthuong.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ