18/06/2021

Bộ Công Thương kiên định thực hiện mục tiêu kép, đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm 2021

Nhìn chung, 5 tháng đầu năm 2021, dù đối diện nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại hàng loạt tỉnh, thành phố, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp đã được duy trì, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng; thị trường trong nước đầy đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng theo hướng bền vững. Kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho hoạt động của ngành Công Thương trong 6 tháng cuối năm 2021.

Công nghiệp – thương mại duy trì đà tăng trưởng tích cực

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 17/6/2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong nước, ngành Công Thương đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép mà Chính phủ chỉ đạo, thể hiện trong các hoạt động của ngành về sản xuất công nghiệp và thương mại.

“Đây là sự nỗ lực, cố gắng trước hết là của doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương cùng sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp”, Thứ trưởng cho hay.

muctieukep1 

Thứ trưởng, Người phát ngôn Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Theo Bộ Công Thương, so với diễn biến chung của thế giới thì kinh tế, thương mại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên cả nước vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh, thành phố có các Khu công nghiệp lớn;… Nhu cầu tiêu dùng phục hồi từ các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các đơn hàng sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

“Ví dụ như mặt hàng dệt may, rất nhiều doanh nghiệp đã báo cáo là có đơn hàng hết quý III, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2021, đây là tín hiệu hết sức khả quan”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm tăng 9,9% (cùng kỳ tăng trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%).

Xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN. Nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi, nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt 131,13 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,9%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,6 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5%).

Về thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá hàng hóa cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, kể cả người dân trong vùng có dịch hoặc bị phong tỏa; không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Tại các tỉnh, thành phố có dịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ. Tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối trong nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng ước đạt 2.086,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).

muctieukep2

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 17/6/2021

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Công Thương cũng nhận định sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 5 vẫn còn một số tồn tại.

Với việc dịch bùng phát ở các khu công nghiệp lớn đã có những ảnh hưởng nhất định tới tăng trưởng của sản xuất công nghiệp trong nước, tác động tới chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong bối cảnh các nền kinh tế tiêu dùng lớn của thế giới ở Mỹ và EU mở cửa trở lại, việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn sẽ bị ảnh hưởng.

Do ảnh hưởng của tăng giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng trên 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hóa.

Việc một số địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội do dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu dùng của nhân dân giảm sút, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu đã tác động đến tổng mức bán lẻ hàng hóa.

“Đến thời điểm hiện nay, phát triển các ngành công nghiệp và thương mại cơ bản đã và đang bám sát theo kịch bản tăng trưởng đề ra. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 38% kế hoạch năm; xuất khẩu đạt hơn 44% kế hoạch năm và tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 9,9%, đang ở mức cao hơn so với kế hoạch đề ra là 8%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Dự kiến 6 tháng đầu năm 2021 chỉ số phát triển sản xuất tiếp tục được duy trì tăng khoảng 9% (kế hoạch cả năm tăng 8%); kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 21,7% (kế hoạch cả năm tăng 4-5%); tổng mức bán lẻ hoàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1% (kế hoạch cả năm tăng 8%).

6 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu kép

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ…, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, góp phần vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.

Một là, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, giá cả để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất giải pháp chỉ đạo, điều hành. Thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.

Hai là, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử. Tăng cường các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Chủ động phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động kết nối trên môi trường số, thương mại điện tử (nhất là trong điều kiện giãn cách xã hội).

muctieukep3

Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp mạnh mẽ để chống đầu cơ, găm hàng, tích trữ, lũng đoạn thị trường hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước nhằm ổn định thị trường, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi đầu cơ, thao túng giá các nguyên vật liệu. Chủ động rà soát và tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Bốn là, bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổ chức hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn.

Năm là, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức triển khai hiệu quả việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sáu là, thúc đẩy xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức khai thác, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để phát triển thị trường và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường cũng như xúc tiến thương mại nhằm tận dụng tốt cơ hội phục hồi của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu các nhóm hàng hóa không khuyến khích, cần phải kiểm soát để có các giải pháp điều hành phù hợp.

Nguồn: http://tapchicongthuong.vn/