Bộ Công Thương cam kết mạnh mẽ về cải cách thể chế, thủ tục hành chính
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, về công tác cải cách thể chế, Bộ Công Thương đã tập trung rà soát để loại bỏ, điều chỉnh hoặc xây dựng mới nhiều văn bản, qui định quản lý trong lĩnh vực được giao quản lý. Trong đó, đã có hơn 40 Thông tư của Bộ đã được ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định; trình Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi 15 Nghị định. Nhiều qui định không còn phù hợp đã được nhanh chóng rà soát, gỡ bỏ hoặc điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu đổi mới như: Bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may; Sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40/2011/TT-BCT; Xây dựng Thông tư số 36/2016/TT-BCT (thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT) quy định dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng theo hướng bãi bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng nhập khẩu và yêu cầu dán nhãn năng lượng trước khi thông quan; Ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng trong đó bãi bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch điện; Ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống trong đó bãi bỏ quy định về Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện…
Nhiều quy định quản lý khác cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để ban hành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới đây như: Luật Quản lý ngoại thương; Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sản xuất lắp ráp nhập khẩu xe ô tô; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về bán hàng đa cấp; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 06 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất; Nghị định về quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản…
Cùng với cải cách thể chế và cải cách bộ máy là việc gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của Bộ cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Trong năm 2016, Bộ Công Thương đã rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ 39 thủ tục hành chính trong tổng số 453 thủ tục hành chính của Bộ (cụ thể trong các lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực).
Trong quá trình này, để xử lý một cách tổng thể các vấn đề về đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017. Theo đó, trong năm 2017 Bộ sẽ tiếp tục bãi bỏ 15 TTHC và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 453 thuộc phạm vi Bộ quản lý. Các thủ tục hành chính được thực hiện đơn giản hóa này thuộc 17 lĩnh vực tại 40 văn bản quy phạm pháp luật (28 Thông tư, 02 Thông tư liên tịch, 01 Quyết định Thủ tướng và 09 Nghị định). Tinh thần chung trong kế hoạch tổng thể cải cách hành chính của Bộ là phải bảo đảm yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích của người dân, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.
Cùng với quá trình cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cũng tiến hành đổi mới trong phương thức tiến hành. Theo đó, tăng cường triển khai mạnh mẽ việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ cao hơn theo lộ trình phù hợp. Đến thời điểm này, tất cả các thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 11 nhóm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 45 nhóm dịch vụ công mức độ 3 với tổng số 157 dịch vụ công trực tuyến đến thời điểm này đã được thực hiện ở mức độ 3 và mức độ 4.
Qua quá trình triển khai thời gian qua cho thấy kết quả rất tích cực. Từ ngày 01/01/2016 đến ngày 20/02/2017, tổng số hồ sơ liên quan đến các thủ tục hành chính được gửi đến Bộ Công Thương là 707.460 hồ sơ, trong đó có 667.110 được gửi theo hình thức trực tuyến (tương đương với 94,3% tổng số hồ sơ), trong đó hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 3 là 636.130 hồ sơ (chiếm 95,4% trên tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến), số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết theo hình thức trực tuyến mức độ 4 là 30.980 hồ sơ (chiếm 4,6%).
Trong năm 2017, theo kế hoạch đã đề ra tại Quyết định số 4846/QĐ-BCT nêu trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng mới và nâng cấp 22 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 14 DVCTT cấp độ 4 và 8 DVCTT cấp độ 3).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xác định cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử là quá trình thường xuyên, liên tục nhằm thực hiện mục tiêu của một Chính phủ kiến tạo hành động, phục vụ doanh nghiệp và người dân, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo để tiếp tục có những cải cách thực chất và toàn diện hơn nữa trong các lĩnh vực quản lý được Chính phủ giao. Trước Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị này, tôi xin khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công Thương trong tiến trình đổi mới và đồng hành cùng doanh nghiệp để góp phần khơi dậy mạnh mẽ nội lực từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định.
Theo Moit.gov.vn
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ