27/03/2020

Bắc Giang: Phối hợp triển khai 25 đề án

UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt quy định sửa đổi, bổ sung về quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công với một số nội dung chi tăng đáng kể.

Trong đó, mức chi hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, từ 150 triệu đồng/cơ sở lên 300 triệu đồng/cơ sở.

bacgiang25da

Các đề án hỗ trợ phát triển những sản phẩm thế mạnh của tỉnh

Văn bản mới cũng bổ sung mức chi cho 3 nội dung của công tác khuyến công. Cụ thể, chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tối đa 30% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở; chi hỗ trợ hình thành cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp, tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cụm liên kết; chi hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp quốc gia, tối đa không quá 70 triệu đồng/phòng trưng bày. Cấp vùng, cấp tỉnh, tối đa không quá 50 triệu đồng/phòng trưng bày.

So với quy định cũ, mức hỗ trợ theo quy định bổ sung, sửa đổi đã tăng đáng kể và tập trung vào một số nội dung trọng điểm, tác động trực tiếp tới sản xuất tiêu thụ của doanh nghiệp CNNT. Chính sách hỗ trợ này của Bắc Giang được ghi nhận sẽ tạo xung lực và hiệu quả đáng kể cho công tác khuyến công.

Những năm qua, mặc dù nguồn ngân sách của tỉnh không dồi dào nhưng công tác khuyến công Bắc Giang luôn được ưu tiên dành nguồn lực đáng kể cho triển khai các hoạt động. Năm 2019, với 5,2 tỷ đồng kinh phí, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã hoàn thành 3 đề án khuyến công quốc gia và 24 đề án khuyến công địa phương. Các đề án đều tập trung hỗ trợ phát triển những sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Sản xuất mỳ gạo, gỗ, cơ khí và nông sản… Các đề án này được triển khai giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, phát triển thương hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song song với hỗ trợ sản xuất, trung tâm cũng trợ sức cho doanh nghiệp mở rộng đầu ra sản phẩm CNNT. Thông qua việc tổ chức tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối cung – cầu, trung tâm đã quảng bá rộng khắp sản phẩm CNNT của tỉnh. Vì vậy, năm vừa qua hàng hóa của tỉnh, nhất là những nông sản chủ lực có sản lượng lớn như vải thiều, gà đồi Yên Thế, cam bưởi Lục Ngạn… được tiêu thụ ổn định với giá cao. Chương trình này cũng được phân bổ đáng kể nguồn kinh phí với 4,5 tỷ đồng.

Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác khuyến công và xúc tiến thương mại đạt được năm qua, đồng thời với sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ mới, năm 2020 khuyến công Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch công tác với mục tiêu lớn. Theo đó, riêng kế hoạch khuyến công địa phương, với 4,5 tỷ đồng kinh phí được phân bổ, trung tâm sẽ chủ trì, phối hợp triển khai 25 đề án. Trong đó, nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học và công nghệ chiếm số lượng lớn kinh phí (3 tỷ đồng) cũng như số lượng đề án (16 đề án). Các đề án được chia theo từng ngành cụ thể, như: Công nghiệp chế biến, cơ khí, thủ công mỹ nghệ…Bên cạnh đó, trung tâm cũng triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, tư vấn phát triển công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…

Với hoạt động xúc tiến thương mại, Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ sản phẩm chủ lực; mở rộng xúc tiến sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến các thị trường mới. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều vào thị trường Nhật Bản.

Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ trung ương, Bắc Giang tiếp tục lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh để tăng thêm nguồn lực cho hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại và tiết kiệm năng lượng trên địa bàn.

Nguồn: https://congthuong.vn/