10/10/2018

Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng xanh

Hóa học xanh là khái niệm về phát triển hóa học một cách bền vững (còn gọi là hóa học bền vững), qua đó khuyến khích phát triển các phương pháp và quá trình tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất độc hại. Mới đây, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) triển khai dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam” nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu sử dụng, phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại.
Khởi động dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam”
Mục tiêu của dự án là nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu hóa học xanh và những ứng dụng hóa học xanh cho các ngành sản xuất tại Việt Nam nhằm mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất thuộc danh mục kiểm soát của Công ước Stockholm (về POPs) và Công ước Minamata (về thủy ngân), nhằm ngăn chặn ô nhiễm thủy ngân gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường, dựa trên 12 nguyên tắc của hóa học xanh, bao gồm: Ngăn ngừa chất thải; tối đa hóa tiết kiệm nguyên tử; phát triển các quá trình tổng hợp hóa học ít độc hại hơn; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng các dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh; tránh làm phát sinh phụ phẩm; sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian thực tế để ngăn ngừa ô nhiễm; giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn.
Hóa học xanh góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam” là dự án đầu tiên về hóa học xanh được triển khai ở Đông Nam Á, được thực hiện trong vòng 3 năm, tập trung vào việc tiếp tục giúp giảm thiểu sử dụng POPs, giảm phát thải không chủ định POPs thông qua hoạt động giới thiệu về các cách tiếp cận hóa học xanh trong 6 ngành công nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Mạ crôm; sản xuất giấy và bột giấy; sản xuất nhựa; dệt; hóa chất bảo vệ thực vật; dung môi – sơn. Những hướng dẫn cụ thể cho từng ngành sẽ được xây dựng, lồng ghép cách tiếp cận hóa học xanh vào các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong năm 2018, dự án đặt mục tiêu thiết lập được môi trường thuận lợi cho việc áp dụng thực hành hóa học xanh, giới thiệu các ứng dụng và lợi ích của hóa học xanh cho cán bộ lãnh đạo, công chúng và doanh nghiệp thuộc các ngành tiểu ngành công nghiệp được chọn. Trình diễn thí điểm các giải pháp hoặc công nghệ hóa học xanh nhằm mục đích giảm thiểu sử dụng hoặc phát thải các chất POPs và thủy ngân tại ít nhất 2 doanh nghiệp ở 2 ngành sản xuất, chế tạo. Đánh giá năng lực quốc gia liên quan đến áp dụng hóa học xanh, đánh giá hiện trạng khung pháp lý cho 6 ngành ưu tiên, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.