30/04/2017

An toàn lao động là số 1

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lần thứ nhất, năm 2017 (tháng 5), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch với chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp”. Trên cơ sở đó, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tập trung hành động vì một môi trường làm việc an toàn.

CẢNH BÁO TỪ NHỮNG CON SỐ

Theo báo cáo của tỉnh, từ năm 2014-2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.466 vụ TNLĐ làm 1.510 người bị nạn. Trong đó: Tai nạn nặng: 825 vụ, 856 người bị nạn; tai nạn chết người: 90 vụ, 103 người chết…Các đơn vị thuộc ngành Than trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 61 vụ TNLĐ chết người, làm chết 72 người. Tổng chi phí thiệt hại do TNLĐ trong 3 năm 2014-2016 là 39,412 tỷ đồng; số ngày nghỉ do TNLĐ là 70.862 ngày. Những tháng đầu năm 2017, tổng số vụ TNLĐ chết người trên địa bàn là 6 vụ, làm chết 6 người; so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3 vụ, số người chết tăng 3 người.

an toan lao dong la so 1

Công ty CP Cơ khí Mạo Khê (TKV) luôn chú trọng công tác đảm bảo an toàn lao động.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tình hình TNLĐ có diễn biến phức tạp, bất thường, khó kiểm soát; năm 2014, 2015 tình hình TNLĐ giảm trên tất cả các tiêu chí so với năm trước; tuy nhiên, năm 2016 tình hình TNLĐ lại tăng trên tất cả các tiêu chí so với năm 2015. Nguy cơ xảy ra TNLĐ còn tiềm ẩn rất cao, đặc biệt trong ngành khai khoáng; nguy cơ bục nước, bục bùn trong mỏ hầm lò chưa được kiểm soát một cách hiệu quả, đặc biệt khi khai thác xuống sâu, dưới vùng đã khai thác cũ; tình trạng vi phạm trong quản lý, vận hành thiết bị tời trục, xe goòng, băng tải dẫn tới TNLĐ gia tăng; công tác quản lý các đường lò dừng, tạm dừng sản xuất còn lỏng lẻo, chủ quan, không có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn người lao động đi vào các đường lò dừng, không thông gió. Các vụ TNLĐ nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người hầu như năm nào cũng xảy ra. Đáng chú ý, số vụ TNLĐ chết người có nguyên nhân do lỗi vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật; lỗi liên quan đến cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất trong công tác triển khai biện pháp kỹ thuật thi công, kỹ thuật an toàn, kiểm tra, giám sát sản xuất vẫn là nhóm nguyên nhân chiếm tỉ lệ cao nhất.

HÀNH ĐỘNG VÌ SỰ AN TOÀN

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, từ thực trạng trên cho thấy, để giảm thiểu tình hình mất an toàn lao động, thì các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện an toàn lao động, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công cho người lao động. Song song với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý ATVSLĐ; tăng cường công tác quản lý các công trình xây dựng theo quy định; xác định rõ trách nhiệm chủ trì và phối hợp của các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn trong công tác đảm bảo an toàn lao động tại công trình; chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra về ATVSLĐ; tập trung vào các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ. Các cơ quan pháp luật cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATVSLĐ dẫn đến TNLĐ chết người, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần xác định yếu tố con người là quyết định, vì vậy quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, dẫn đến các vụ TNLĐ. Hơn nữa, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Các doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ; kỹ năng nhận diện nguy cơ, đánh giá rủi ro và biện pháp phòng ngừa cho cán bộ chỉ huy sản xuất; giáo dục kỹ năng phòng, tránh TNLĐ, ý thức tự chủ an toàn, tự bảo vệ bản thân cho người lao động; từng bước xây dựng “văn hoá an toàn” tại nơi làm việc. Cùng với đó là thường xuyên tự kiểm tra, rà soát các vị trí sản xuất; chủ động phòng ngừa, kiểm soát, loại trừ các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất; thực hiện quyết liệt nhằm khắc phục kịp thời những thiếu sót, tồn tại trong công tác ATVSLĐ.

Ông Tâm cho biết thêm: Để công tác ATVSLĐ đạt hiệu quả, Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ nhất, UBND tỉnh cũng xây dựng Kế hoạch với chủ đề: “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”. Qua đó, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự giác về ATVSLĐ, coi đây như là lá bùa hộ mệnh cho người lao động trong quá trình tham gia sản xuất. Ngày 8-5, tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ tại một đơn vị thuộc Tổng Công ty Đông Bắc, tạo sự lan toả rộng rãi. Các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ tổ chức lễ phát động hoặc các hoạt động cụ thể, thiết thực phù hợp với điều kiện của ngành, địa phương, doanh nghiệp, hướng đến đối tượng người lao động và cán bộ trực tiếp chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng.

Qua thực tế cho thấy, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch, lồng ghép các hoạt động: Hội thao, diễn tập phương án xử lý sự cố kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ, cấp cứu người bị nạn; tổ chức một số hoạt động xã hội, cộng đồng như thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; phát động các phong trào thi đua, ký giao ước thi đua đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất; tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Theo Báo Quảng Ninh