Yên Bái: Khuyến công thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn
Từ các đề án khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (TTKC) tỉnh Yên Bái đã triển khai hỗ trợ nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mang lại hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT).
Các cơ sở CNNT ở Yên Bái nhận được nhiều hỗ trợ từ chương trình khuyến công
Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác khuyến công quốc gia ở Yên Bái đã có nhiều kết quả. Cụ thể, TTKC đã trình Sở Công Thương tỉnh Yên Bái thẩm định 3 đề án với kinh phí 1,7 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 trình 02 đề án, kinh phí là 600 triệu đồng; đợt 2 trình bổ sung 01 đề án nhóm (hỗ trợ 4 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ), tổng kinh phí hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, đã được Sở Công Thương thẩm định, trình Cục Công Thương địa phương – Bộ Công Thương.Trung tâm cũng phối hợp với Trung tâm Khuyến công 1 khảo sát, hỗ trợ cho 3 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ 900 triệu đồng.
Ngoài ra, TTKC Yên Bái cũng đã xây dựng 10 đề án và một số nội dung hoạt động khuyến công khác trình Sở Công Thương thẩm định với tổng kinh phí 2,11 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ triển khai thực hiện các đề án khuyến công là 1,78 tỷ đồng, hỗ trợ triển khai thực hiện các nội dung khuyến công khác là 330 triệu đồng.Trung tâm được Sở Công Thương giao thực hiện 8 đề án và các nội dung hoạt động khuyến công khác với tổng kinh phí 1,58 tỷ đồng.
Ông Đoàn Lê Khoa, Giám đốc TTKC Yên Bái cho biết: “Để triển khai hiệu quả các đề án khuyến công, hàng năm Trung tâm đã tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, các cơ sở CNNT; xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp với các quy hoạch, chương trình, đề án, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Trung ương và của tỉnh; phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương để thực hiện đề án; đẩy mạnh theo dõi tiến độ thực hiện đảm bảo các Đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích”.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TTKC Yên Bái đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các nội dung đề án đều được xây dựng, trình thẩm định và triển khai thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, tiến độ, thời gian đề ra.Bên cạnh việc hỗ trợ máy móc, thiết bị cho DN, chương trình khuyến công còn hỗ trợ các sản phẩm CNNT tiêu biểu thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm… Đến nay, Yên Bái đã tôn vinh hơn 40 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh có chất lượng, tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.
TTKC Yên Bái tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác khuyến công vào tháng 7/2022
Qua đánh giá, các đề án khuyến công của Yên Bái đã phát huy tốt hiệu quả, giúp các cơ sở đầu tư đúng hướng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho người lao động thuộc các ngành nghề: may mặc, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm… Các đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Sự hỗ trợ kịp thời của chính sách đã góp phần giúp các cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác khuyến công của Yên Bái vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng, thẩm định đề án, kinh phí xúc tiến thương mại kéo dài; các nội dung hoạt động khuyến công chưa được thực hiện đầy đủ theo chương trình đề ra; DN chưa chủ động tiếp cận khi có nhu cầu hỗ trợ dẫn đến khó khăn khi xây dựng kế hoạch…
Để khắc phục những tồn tại,TTKC Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu kế hoạch khuyến công năm 2022 cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, DN liên quan để triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 – 2025, ngành công thương tỉnh Yên Bái phấn đấu xây dựng 10 – 15 mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ; ứng dụng khoảng 150 máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức ít nhất 2 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 10 cơ sở CNNT xây dựng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng kết cấu hạ tầng cho 5 cụm công nghiệp; đào tạo nghề cho khoảng 500 lao động theo nhu cầu…
Trung tâm cũng phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, có trên 400 DN, cơ sở CNNT được hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước là 50 tỷ đồng; trong đókinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 32 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 18 tỷ đồng.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/
Tin mới nhất
Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 từ ngày 15 – 21/4/2024
Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới về cụm công nghiệp
Khuyến công Nghệ An: Đồng hành cùng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hỗ trợ đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất
Các phong trào thi đua năm 2024 – Đổi mới và Lan toả
Đoàn Thanh niên Cục Công Thương địa phương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024)
Mời tham dự Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc
Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Nhật Bản
Thái Nguyên tiếp sức cho doanh nghiệp từ các đề án khuyến công
Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương tổ chức gặp mặt truyền thống cựu cán bộ Đoàn Thanh niên qua các thời kỳ